|
Tổng thống Syrie Bashar al-Assad (trái) tiếp Đặc phái viên của Mỹ về hòa bình Trung Đông George Mitchell hồi đầu tháng 6.
Ảnh: Reuters |
Quan hệ giữa Mỹ và Syrie dường như đang được cải thiện. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly hôm 25-6 thông báo với phía Syrie rằng Washington sẽ bổ nhiệm lại đại sứ tại Damas sau 4 năm gián đoạn. Theo ông Kelly, động thái trên cho thấy sự thừa nhận của chính quyền Mỹ về vai trò quan trọng của Syrie ở khu vực, và hy vọng Damas sẽ tiếp tục vai trò đó trên tinh thần xây dựng để thúc đẩy hòa bình và ổn định cho Trung Đông.
Sau khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, quan hệ giữa Mỹ và Syrie trở nên căng thẳng. Một năm sau đó, Mỹ trừng phạt kinh tế Syrie, với cáo buộc Damas tài trợ các phong trào Hồi giáo cực đoan Hezbollah ở Liban và Hamas ở Palestine, cũng như cho các tay súng Hồi giáo nước ngoài xâm nhập vào Iraq qua lãnh thổ nước này. Quan hệ ngoại giao chính thức bị cắt đứt sau vụ cựu Thủ tướng Liban Rafik Hariri bị ám sát năm 2005, mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George Bush cho là có bàn tay của Syrie.
Tuy nhiên, vai trò và ảnh hưởng của Syrie ở Trung Đông không thể không tính đến. Washington nhận ra rằng sẽ rất khó đạt được một giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột nhiều thập niên qua giữa Palestine và Israel nếu không có sự tham gia của Damas. Không những có ảnh hưởng đáng kể đối với Hamas (đang chiếm giữ Dải Gaza), Syrie cũng có thể là một đối tác quan trọng hỗ trợ Mỹ trong trường hợp Washington tiến hành đàm phán với Iran. Vì vậy, với mong muốn thổi luồng sinh khí mới vào tiến trình hòa bình Trung Đông, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ động chìa cành ô-liu cho Damas.
Hồi đầu tháng 6 vừa qua, ông Obama đã cử Đặc phái viên về Trung Đông George Mitchell đến Damas gặp Tổng thống Bashar al-Assad. Sau chuyến đi đó, ông Mitchell giục Tổng thống Obama nhanh chóng cải thiện quan hệ với Damas. Vào trung tuần tháng này, lần đầu tiên trong 5 năm qua, phái đoàn của Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cũng có cuộc họp bàn về hợp tác quân sự với Syrie, xung quanh vấn đề an ninh biên giới giữa Syrie và Iraq. Mỹ chuẩn bị rút quân hoàn toàn khỏi Iraq vào năm 2011, do đó các vấn đề an ninh trở nên hết sức quan trọng và về lâu dài sẽ phụ thuộc vào vai trò của các nước ở khu vực, trong đó có Syrie. Tổng cộng từ đầu năm đến nay, Mỹ đã cử ít nhất 4 phái đoàn cấp cao tới Damas.
Khôi phục quan hệ ngoại giao với Syrie, Mỹ còn có thể kéo nước này khỏi sự ảnh hưởng của Iran, hay nói cách khác là tăng cường cô lập Iran. Cam kết ngoại giao với Syrie, Washington cũng hy vọng thúc đẩy nước này nối lại đàm phán hòa bình với Israel, đồng minh của Mỹ. Tổng thống Assad hồi năm ngoái từng nói sẽ đề nghị người kế nhiệm ông Bush (tức Tổng thống Obama) làm trung gian đàm phán giữa Syrie với Israel.
Các nhà phân tích cho rằng, với nền kinh tế đang gặp khó khăn, Syrie sẽ đón nhận cơ hội của Mỹ để “mở cửa” trở lại với thế giới sau thời gian bị cô lập, nhưng dường như sẽ không từ bỏ mối quan hệ lợi ích với Iran. Tổng thống Assad sẽ nỗ lực “xoay xở” quan hệ với cả hai bên. Một trong những động thái cho thấy điều đó là mới đây ông Assad nói rằng Syrie có thể không đàm phán hòa bình với Israel vì nhà nước Do Thái không trao trả Cao nguyên Golan cho Syrie. Phát biểu của ông Assad chắc hẳn khiến Iran, vốn xem Israel là “kẻ thù không đội trời chung”, cảm thấy an lòng.
N.MINH (Theo Reuters, Atime, AFP)