12/12/2016 - 09:27

Vì sao học sinh Đông Á luôn dẫn đầu các bảng xếp hạng giáo dục?

Theo kết quả mới nhất từ Nghiên cứu toán học và khoa học quốc tế (TIMSS) và Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), học sinh các nước Đông Á tiếp tục nắm giữ các thứ hạng cao nhất trong cả 2 nghiên cứu về chất lượng giáo dục này.

Mới đây, học sinh Singapore còn được xếp đứng đầu trong khảo sát giáo dục toàn cầu do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tiến hành, sau khi giành được điểm số cao nhất về các kỹ năng học tập cơ bản. Để lý giải cho thành tích nói trên của học sinh khu vực Đông Á, báo Straits Times cho rằng có 4 nhân tố quyết định mang đến kết quả học tập vượt trội. Đó là:

1. Truyền thống văn hóa và tư duy

Theo các nhà nghiên cứu về khu vực Đông Á, người dân tại đây đánh giá cao giáo dục bởi họ tin rằng nỗ lực học tập (chứ không phải năng lực bẩm sinh) chính là chìa khóa để thành công. Đây cũng là nhân tố quan trọng nhất mang lại thành tích cao trong các bài kiểm tra của khu vực này.

Khía cạnh tích cực của cách tiếp cận (giáo dục) này nằm ở sự kỳ vọng rằng đại đa số các em sẽ thành công. Vì vậy, ở các nước Đông Á, mọi người đều được tiếp cận như nhau với các chương trình giảng dạy (chứ không chia thành các nhóm năng lực như ở Anh chẳng hạn) nên có nhiều học sinh có cơ hội đạt điểm cao.

Ngoài ra, việc học chính thức ở trường còn được bổ sung các tiết học tăng cường. Nhiều học sinh học thêm tới 3 tiếng mỗi đêm, bên cạnh 2 giờ làm bài tập về nhà.

Ảnh: The Conversation

2. Chất lượng giáo viên

Dạy học là một nghề được tôn trọng ở Đông Á, khu vực có sự cạnh tranh gay gắt về việc làm, và giáo viên được hỗ trợ cho việc tiếp tục phát triển chuyên môn.

Đơn cử như tại Thượng Hải (Trung Quốc), mặc dù sĩ số lớp đông hơn, nhưng các giáo viên ở đây có khối lượng công việc thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp ở Anh khi họ chỉ giảng dạy chưa đầy 2 tiết mỗi ngày. Điều này cho phép họ có thời gian soạn bài, cũng như hỗ trợ thêm cho học sinh yếu kém, trong khi vẫn có thời gian để phát triển chuyên môn trong các nhóm nghiên cứu của giáo viên.

3. Sử dụng bằng chứng

Một điều nghịch lý là nền tảng lý thuyết của nền giáo dục Đông Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi thành tựu nghiên cứu và phát triển ở phương Tây, tức đi từ trực quan đến trừu tượng. Chẳng hạn tại Singapore, việc học toán tập trung vào tranh ảnh, các mô hình cụ thể và trừu tượng.

4. Sức đẩy tập thể

Kết quả giáo dục của Singapore hồi những năm 1970 từng bị tụt hậu so với các quốc gia khác trên thế giới. Và sự chuyển đổi của nền giáo dục đảo quốc sư tử đạt được thông qua nỗ lực thay đổi hệ thống ở cấp độ quốc gia - bao gồm phát triển chương trình giảng dạy, sách giáo khoa quốc gia và công tác đào tạo giáo viên trước và trong khi họ làm nhiệm vụ.

Tương tự, việc cải tiến và thay đổi nền giáo dục tại Trung Quốc và Hàn Quốc được lên kế hoạch và chỉ đạo ở cấp quốc gia. Điều này có nghĩa tất cả các trường đều sử dụng tài liệu giảng dạy được chính phủ phê duyệt, nên có sự nhất quán hơn về năng lực đầu vào của các trường sư phạm, và ít đa dạng hơn về loại hình trường học so với ở Anh.

NG. CÁT (Theo Straits Times, CNBC)

Chia sẻ bài viết