09/03/2014 - 13:00

Vì sao Crimea ngả sang Nga?

Người biểu tình thân Nga bao vây căn cứ không quân Belbek của Ukraina ở Sevastopol để phản đối chính quyền Kiev mới.

Bán đảo Crimea của Ukraina hiện trở thành tâm điểm của cuộc đối đầu Đông-Tây tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, cụ thể là giữa Nga và phương Tây, phe hậu thuẫn cho chính phủ lâm thời. Nhưng việc nghị viện Crimea nhanh chóng quyết định trưng cầu dân ý nhằm sáp nhập vào LB Nga có thể sẽ dễ hiểu hơn khi suy xét các vấn đề lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế… của cộng hòa tự trị này.

Ukraina đang đối mặt với sự phân chia địa lý và văn hóa có khả năng làm tê liệt đất nước, giữa những người ủng hộ Nga ở phía Đông và Nam của đất nước với những người Ukraina thân phương Tây. Một phần của sự phân chia đó có thể nhìn thấy rõ tại Crimea, bán đảo nằm ở phía Bắc biển Đen mà Nga luôn khao khát vì có vị trí chiến lược và thời tiết ấm áp.

Địa lý

Bán đảo Crimea nối liền với phần còn lại của Ukraina bởi một dải đất hẹp ở phía Bắc. Về phía Đông, nó chỉ cách Nga một eo biển hẹp tên là Kerch. Nga có kế hoạch xây dựng một cây cầu bắc qua eo biển này. Với diện tích 27.000 km vuông, Crimea chỉ nhỏ hơn Vương quốc Bỉ một chút và là khu vực tự trị duy nhất của Ukraina, với Simferopol là thủ phủ.

Dân số

Khoảng 2 triệu người, trong đó khoảng 58% là người Nga, 24% người Ukraina và 12% người Tatar vốn ủng hộ chính phủ thân phương Tây mới tại Kiev – theo điều tra dân số Ukraina năm 2001. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều người Tatar ủng hộ phe phát-xít và sau đó một số người bị chính quyền trục xuất khỏi Crimea.

Kinh tế

Với khí hậu ôn đới, Crimea là điểm đến du lịch yêu thích của du khách Ukraina và Nga. Crimea đóng góp 3% GDP của Ukraina và 60% thu nhập của cộng hòa tự trị đến từ ngành dịch vụ. Đất đai ở đây được khai thác rất tốt, với lúa mì, bắp và hoa hướng dương là những loại cây trồng chính. Crimea còn có nhà máy chế biến hóa chất và quặng sắt ở Kerch.

Quân sự

Căn cứ chính của Hạm đội biển Đen (Nga) tại thành phố tự trị Sevastopol cho phép Mát-xcơ-va tiếp cận Địa Trung Hải. Hãng tin Reuters cho biết theo thỏa thuận ký kết vào năm 2010, Ukraina tiếp tục cho Nga thuê căn cứ Sevastopol cho đến năm 2042, đổi lại, Nga sẽ giảm giá khí đốt cung cấp cho Ukraina.

Nỗi lo sợ của người Crimea

Từ cuối những năm 1700 cho đến khi Liên Xô tan rã, Crimea hầu như luôn nằm trong sự kiểm soát của Nga. Đến nay, tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ chính của vùng này. Vì vậy, Crimea dường như không có một chút phản đối nào khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tức giận vì đồng minh là cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ, lặng lẽ gửi binh sĩ đến để kiểm soát Crimea. Tất cả bởi vì họ sợ.

Trong khi một số người Nga tại Crimea cảm thấy bất an trước sự hiện diện của binh lính, nhiều người khác lại xem lực lượng này như những người bảo vệ họ khỏi chính quyền Kiev mới mà họ cho là sẵn sàng loại bỏ cộng đồng nói tiếng Nga ở vùng này. Sau khi cựu Tổng thống Yanukovych trốn khỏi Ukraina hồi tháng 2, quốc hội nước này đã bãi bỏ một đạo luật năm 2012 cho phép sử dụng tiếng Nga như ngôn ngữ chính thức cùng với tiếng Ukraina. Động thái này khiến nhiều người nói tiếng Nga trong nước khó chịu, đặc biệt là ở Crimea.

Trong khi một số người lo sợ ngôn ngữ của họ có thể bị tẩy chay, những người khác lại có những nỗi sợ khác, đó là tình trạng hỗn loạn, các nhóm chiến binh Ukraina, hoặc những kẻ khủng bố nhắm mục tiêu vào người nói tiếng Nga. Người ta cho rằng khó mà tìm ra ai đó từng là nạn nhân của một vụ tấn công chống lại người Nga, nhưng lại rất dễ tìm thấy người tin rằng điều đó đang xảy ra. "Chúng tôi rất sợ hãi, sợ sự hỗn loạn tại Kiev. Nó có thể đến đây" – Lyudmila, một người dân ở Crimea, cho biết. Giống như nhiều người nói tiếng Nga, bà tin rằng những người biểu tình tại Kiev và chính phủ mới bị chi phối bởi các chiến binh của chủ nghĩa dân tộc, những người đã sát hại hàng chục, thậm chí hàng trăm binh sĩ thuộc lực lượng an ninh Ukraina trong các cuộc biểu tình.

Có thể nói, nỗi lo sợ ăn sâu tại Crimea đã khiến người dân nơi đây cảm thấy bất an với khả năng Crimea ở lại với Ukraina, nhưng vui mừng khi biết binh sĩ Nga có thể bảo vệ họ nếu tình huống diễn biến xấu đi.

HẠNH NHÂN (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết