14/08/2021 - 23:58

Vì sao cơ thể chúng ta cần kẽm? 

Kẽm là một khoáng chất tham gia vào nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, từ tăng cường hệ miễn dịch đến ngăn ngừa trầm cảm. Theo khuyến nghị từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ, phụ nữ cần bổ sung 8mg kẽm và nam giới cần 11mg kẽm hằng ngày .

Nhóm thực phẩm giàu kẽm.

Những lợi ích sức khỏe đã được khoa học chứng thực:

+ Hỗ trợ tăng trưởng và phát triển. Scott Kaiser, bác sĩ lão khoa tại Trung tâm Y tế Providence Saint John (Mỹ), cho biết: “Kẽm cần thiết cho quá trình tổng hợp ADN và sự phát triển của các tế bào, giúp xây dựng prôtêin, chữa lành các mô tổn thương và hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động khỏe mạnh. Kẽm đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên vì nó hỗ trợ quá trình tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.

+ Ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD). Kẽm giúp ngăn ngừa nguy cơ mất thị lực do AMD, cũng như làm chậm sự tiến triển của căn bệnh vốn là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa này. Theo nghiên cứu của Viện Mắt Quốc gia Mỹ, bổ sung hằng ngày 80mg kẽm, kết hợp với đồng và các chất chống ôxy hóa, giúp giảm 25% nguy cơ phát triển AMD so với dùng giả dược.

+ Cải thiện tâm trạng. Thiếu kẽm có liên quan đến các bệnh tâm thần như trầm cảm, nên bổ sung kẽm đôi khi được chỉ định trong điều trị trầm cảm. Các bác sĩ cho biết khi kẽm hiện diện trong não, nó tương tác với các thụ thể quan trọng thúc đẩy sản xuất “hóa chất hạnh phúc” serotonin. Ðây là chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng hiệu quả.

+ Tăng cường khả năng chú ý và ghi nhớ. Kẽm đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe tâm thần và tái tạo tế bào não - điều giúp lý giải tại sao thiếu kẽm có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi  (bệnh Alzheimer).

+ Làm thuyên giảm nhiều loại cảm cúm thông thường. Chuyên gia Kaiser cho biết nếu bổ sung kẽm ngay khi có các triệu chứng cảm lạnh, bạn có thể làm giảm đáng kể thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoàng gia, những người dùng viên ngậm chứa kẽm ngay khi xuất hiện triệu chứng cúm có thời gian mắc bệnh chỉ bằng 2/3 so với nhóm đối chứng.

Bổ sung kẽm như thế nào?

Các thực phẩm giàu kẽm gồm: hàu, thịt đỏ  (bò, cừu, dê, heo), tôm hùm, cua, ngũ cốc và các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều, óc chó, hạt dẻ cười, hạt bí, hạt mè và hạt hướng dương). Cũng vì thực phẩm giàu kẽm chủ yếu là các sản phẩm động vật, nên những người ăn chay dễ bị thiếu kẽm hơn. Tuy vậy, dung nạp quá nhiều kẽm - như lạm dụng thuốc bổ sung kẽm - có thể mang lại nhiều tác hại như gây nôn mửa, tiêu chảy và đau đầu. Do đó, cách tốt nhất để bổ sung khoáng chất này là tiêu thụ thực phẩm.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị thiếu hoặc thừa kẽm, bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều chỉnh chế độ ăn uống cho hợp lý hơn.

AN NHIÊN (Theo INSIDER)

Chia sẻ bài viết