Theo các chuyên gia, cá là nguồn cung tuyệt vời các dưỡng chất thiết yếu như axít béo omega-3, chất đạm và vitamin D, rất cần thiết cho bệnh nhân tiểu đường trong việc kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa kháng insulin và giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến tiểu đường như bệnh tim. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ có lợi giữa tiêu thụ cá với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Những lợi ích dinh dưỡng của cá đối với người bệnh tiểu đường
+ Giàu vitamin D. Các nhà nghiên cứu phát hiện thường xuyên ăn các loại cá béo - như cá hồi, cá mòi, cá thu và cá trích - có thể giúp tăng hàm lượng vitamin D trong cơ thể. Vitamin D là dưỡng chất quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhờ khả năng cải thiện độ nhạy insulin, từ đó ngăn ngừa tình trạng đề kháng insulin (vốn thúc đẩy bệnh phát triển).
+ Giàu đạm. Tiêu thụ các loại cá béo làm giảm cảm giác thèm ăn và giảm nhu cầu tiêu thụ thức ăn so với nguồn đạm khác, giúp cải thiện phản ứng insulin. Do đó, bổ sung đạm từ cá trong chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin ở bệnh nhân tiền tiểu đường và tiểu đường.
+ Giàu omega-3. Lượng omega-3 dồi dào trong cá không chỉ giúp kiểm soát tiểu đường mà còn có nhiều lợi ích sức khỏe khác, bao gồm giảm các cytokine kích hoạt tình trạng viêm - nguyên nhân chính gây ra tiểu đường. Dưỡng chất thiết yếu này cũng giúp điều chỉnh mức cholesterol và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do tiểu đường.
+ Chứa ít calo. Béo phì là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến tiểu đường, bởi nó có thể làm suy giảm hoạt động sản xuất và sử dụng glucose của các tế bào cơ thể, cùng với đó là làm tăng tình trạng viêm và tích mỡ dẫn đến kháng insulin và cuối cùng là bệnh tiểu đường. Trong khi đó, một số loại cá như cá rô phi, cá tuyết và cá bơn chứa lượng calo thấp, nhưng nhiều đạm và dễ chế biến nên có thể giúp kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
+ Giàu chất xơ. Theo một nghiên cứu, tăng cường tiêu thụ lượng chất xơ từ cá có thể giúp giảm nồng độ cholesterol “xấu” LDL trong cơ thể, qua đó giúp kiểm soát lượng đường glucose ở bệnh nhân tiểu đường.
+ Giàu vitamin nhóm B. Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin B12. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt vitamin B6 ở người mắc bệnh tiểu đường dễ dẫn tới nhiều biến chứng đe dọa tính mạng và giảm chất lượng sống như bệnh về thần kinh và võng mạc. Trong khi đó, cá là một nguồn thực phẩm dồi dào vitamin B12 và vitamin B6 nên có thể giúp kiểm soát và giảm nguy cơ gặp biến chứng vì tiểu đường.
+ Giúp bổ sung selen. Theo một nghiên cứu, selen có thể giúp giảm nguy cơ kháng insulin và tiểu đường do khả năng loại bỏ các gốc tự do có hại trong cơ thể. Các gốc tự do tổn hại tế bào beta tuyến tụy và các tế bào sử dụng glucose, do đó, làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
Ăn bao nhiêu cá là vừa đủ? Các chuyên gia khuyến nghị bệnh nhân tiểu đường nên ăn 2 phần cá (khoảng 140g)/tuần, với ít nhất 1 phần là cá béo. Tuy cá tốt cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường, song ăn quá nhiều cũng có thể gây ra tác dụng phụ hoặc gặp phải nguy cơ ngộ độc, nhất là những loại cá lớn như cá mập, cá kiếm, cá ngừ lớn...
Thiếu omega-3 có thể gây giảm thọ
Tiêu thụ không đủ axít béo omega-3 trong chế độ ăn uống có thể rút ngắn tuổi thọ hơn cả hành vi hút thuốc, các nhà khoa học Canada vừa cảnh báo.
Trước đó, các chuyên gia tại Đại học Guelph đã tiến hành phân tích dữ liệu từ Nghiên cứu Tim Framingham (FHS), một trong những nghiên cứu kéo dài nhất trên thế giới. Họ nhận thấy trong khi hút thuốc có thể làm giảm 4 năm tuổi thọ, việc thiếu hụt omega-3 có thể rút ngắn 5 năm tuổi thọ. Không chỉ vậy, việc đo lường hàm lượng dung nạp axít béo trong cơ thể cũng có thể giúp dự đoán tỷ lệ tử vong tương tự như các yếu tố nguy cơ tiêu chuẩn khác.
Được biết, omega-3 nổi tiếng là không chỉ tốt cho tim mà còn giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Ngoài cá béo, axít béo này còn có trong trái bơ, hạt chia, hạt óc chó, dầu ôliu, dầu hạt lanh...
|
AN NHIÊN (Theo Boldsky, Daily Mail)