07/08/2024 - 09:12

Vì đâu Bangladesh bất ổn? 

Bạo lực vẫn tiếp diễn tại Bangladesh, bất chấp việc Thủ tướng Sheikh Hasina đã từ chức và bí mật rời khỏi đất nước.

Thủ tướng Hasina từ chức sau nhiều tuần diễn ra biểu tình chống chính phủ gây chết người. Ảnh: Reuters

Vài giờ sau thông tin Thủ tướng Hasina rời cương vị, Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin đã tuyên bố giải tán quốc hội và lập chính quyền lâm thời. Trong cuộc họp với quân đội và các lãnh đạo chính trị đối lập, ông Shahabuddin nhất trí dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc và tiến tới tổ chức bầu cử mới. Các bên đồng ý trả tự do cho cựu Thủ tướng và là người đứng đầu đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) Khaleda Zia. Những người bị bắt trong phong trào sinh viên “chống phân biệt đối xử” gần đây cũng được phóng thích.

Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, Tướng Waker-Uz-Zamanhe cam kết công lý sẽ được thực thi và kêu gọi sinh viên biểu tình kiềm chế. Song, truyền thông ghi nhận bạo lực và phá hoại vẫn tiếp diễn với hàng ngàn người biểu tình xông vào dinh thủ tướng, cướp bóc và phá hoại nơi này. Những kẻ kích động còn chiếm tòa nhà quốc hội, đốt văn phòng của đảng cầm quyền Liên đoàn Awami (AL), trụ sở cảnh sát; phá bỏ tượng nhà lãnh đạo độc lập Sheikh Mujibur Rahman (cha bà Hasina) và phóng hỏa bảo tàng mang tên ông.

Tính đến nay, khoảng 300 người đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc tuần hành của sinh viên Bangladesh nổ ra hồi tháng 7 để phản đối hạn ngạch việc làm của chính phủ. Trong đó, tốc độ phát triển nhanh chóng của phong trào chống chính phủ và mở rộng ra mọi tầng lớp xã hội phản ánh sự thất vọng của giới trẻ Bangladesh về kinh tế, nạn tham nhũng dưới chính quyền Thủ tướng Hasina.

Cái kết bất ngờ của “Bà đầm thép” Bangladesh

Ngày 6-8, Ấn Độ cho biết sẽ cung cấp hỗ trợ hậu cần toàn diện cho cựu Thủ tướng Bangladesh khi bà ở đây để chờ xin tị nạn ở Anh. Đồng minh và gia đình bà Hasina cho biết chính trị gia 76 tuổi sẽ không trở lại chính trường nước nhà, đồng nghĩa chấm dứt hơn hơn 20 năm trên đỉnh quyền lực của người được mệnh danh “Bà đầm thép” Bangladesh.

Là con gái người sáng lập Bangladesh, sự nghiệp chính trị của bà Hasina bắt đầu vào cuối những năm 60 với vai trò sứ giả của cha mình trong thời gian ông bị giam giữ. Năm 1975, sau khi cha mẹ và 3 anh trai bị ám sát trong cuộc đảo chính quân sự, bà Hasina cùng em gái sống lưu vong 6 năm trước khi trở về và nắm vai trò lãnh đạo đảng AL, bắt đầu cuộc đấu tranh “chống độc tài” kéo dài một thập kỷ. Năm 1990, đảng AL hợp tác với BNP lật đổ nhà lãnh đạo quân sự Hussain Muhammad Ershad. Nhưng liên minh nhanh chóng đổ vỡ và nền chính trị Bangladesh sau đó trở thành màn đối đầu giữa bà Hasina và đối thủ Zia.

Năm 1996, bà Hasina lần đầu ngồi vào ghế thủ tướng Bangladesh, nhưng không thể chiến thắng trước đối thủ trong cuộc bầu cử năm 2001. Năm 2007, cả 2 bà Hasina và Zia bị bỏ tù với cáo buộc tham nhũng sau cuộc đảo chính được quân đội Bangladesh hậu thuẫn. Các cáo buộc sau đó bị hủy và họ lần nữa đối đầu ở cuộc bầu cử năm 2008, lần này bà Hasina giành chiến thắng áp đảo. Từ thời điểm trên, đảng AL liên tục chiến thắng trong các cuộc bầu cử và tính đến ngày 5-8, bà Hasina đã giữ chức thủ tướng trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp, trở thành nữ lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới.

Trong thời kỳ nắm quyền, bà Hasina đã chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và nhiệt tình đấu tranh cho dân chủ. Bà đặc biệt được ca ngợi như người dẫn dắt sự tái sinh của nền kinh tế khi đưa Bangladesh đi từ chỗ chật vật để nuôi sống người dân đến vị thế nước xuất khẩu lương thực lớn, trong khi tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng từ 71 tỉ USD năm 2006 lên 460 tỉ USD vào năm 2022. Bên cạnh thành công về kinh tế, bà bị phe đối lập và các nhóm nhân quyền quốc tế chỉ trích “độc đoán” với các chính sách cứng rắn. Hiện tại, dù bà Hasina đã bị lật đổ nhưng diễn biến này đồng thời để lại khoảng trống quyền lực và đặt ra thách thức cấp bách cho chính quyền mới về thực hiện cải cách dân chủ, cải thiện việc làm và hệ thống giáo dục.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết