13/07/2017 - 16:27

Vị đắng hậu ly hôn

TTH.VN - Trong cuộc sống hôn nhân, ai chẳng mong muốn có một gia đình hạnh phúc. Nhưng vì nhiều lý do, nhiều cặp vợ chồng không thể giữ được mái ấm cho mình. Ly hôn -nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng lại gây biết bao hệ luỵ cho gia đình, con cái, công việc và các mối quan hệ xã hội khác. Ly hôn có thật sự là một cuộc giải thoát cho đôi bên?

Bài 1: Những mảnh vỡ hôn nhân

Trong cuộc sống hôn nhân, ai chẳng mong muốn có một gia đình hạnh phúc. Nhưng vì nhiều lý do, nhiều cặp vợ chồng không thể giữ được mái ấm cho mình. Ly hôn -nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng lại gây biết bao hệ luỵ cho gia đình, con cái, công việc và các mối quan hệ xã hội khác. Ly hôn có thật sự là một cuộc giải thoát cho đôi bên?

Yêu nhanh - kết thúc sớm

 

Cha mẹ ly hôn là một cú sốc lớn đối với hai anh em Lâm Trọng Nhân. Dù rất đau buồn, nhưng em vẫn nỗ lực học tập, làm gương cho em trai. 

Xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, đông anh em, không sắc vóc, trình độ học vấn, trầy trật lắm Nguyễn Thị H., 27 tuổi, mới xin được "chân" công nhân xí nghiệp may ở quận Ninh Kiều. Vì vậy, khi H. mời dự đám cưới, người thân, bạn bè đều mừng vì cô đã tìm được bến đỗ đời mình. Chồng H. làm nghề sửa xe máy. Do gia đình hai bên đều nghèo, sau hôn lễ, H. ở tạm nhà mẹ ruột tại Khu dân cư 91B, quận Ninh Kiều, mỗi tuần chồng đến thăm 2-3 lần. Mấy tháng sau, khi H. có thai, chồng lấy lý do phải đi làm thêm kiếm tiền lo chi phí sinh nở cho vợ, nên ít lui tới chăm sóc. Tới ngày H. sinh con, gọi điện cho chồng không được, một người quen vào viện thăm, báo tin động trời: chồng H. đang lo cho tình nhân vừa sinh con chưa tròn tháng. Được người thân hết lòng thương yêu, nâng đỡ, H. vượt qua cú sốc, dần nguôi ngoai chuyện cũ. Căm giận người chồng bội bạc, H. đơn phương nộp đơn xin ly hôn, mặc cha mẹ hết lời khuyên giải. H. chia sẻ: "Cũng tại lúc trước không tìm hiểu kỹ, em kết hôn quá vội vàng, giờ phải trả giá đắt. Ổng tệ lắm, không màng đến thăm con, chỉ nhờ người mang quà đến, em gởi trả hết". Bây giờ con H. gần 2 tuổi, không biết mặt và không có tên cha trong giấy khai sinh.

Đầu năm 2013, tham dự phiên tòa xử một vụ ly hôn ở TAND quận Ninh Kiều, nhiều người dự khán không khỏi chạnh lòng. Hai vợ chồng còn rất trẻ, đều bỏ học sớm, ăn chơi lêu lổng, yêu đương sớm dẫn đến có thai, phải cưới gấp. Những tưởng có con, hai vợ chồng sẽ chí thú làm ăn, nhưng xung đột xảy ra liên miên do cả hai quen sống bám, không có việc làm và thu nhập ổn định . Rồi chồng nghiện ma túy, vợ làm tiếp viên và cặp bồ với người khác. Đứa con chưa tròn tuổi, được nội, ngoại thay phiên nuôi dưỡng, cha mẹ ruột không ngó ngàng tới. Trong một lần "vui vẻ" với nhân tình, người vợ bắt gặp chồng mình và bồ thuê cùng khách sạn. Sau trận đánh ghen ầm ĩ, cả hai quyết định chia tay. Lúc vị chủ tọa phiên tòa hỏi ai sẽ nhận nuôi đứa bé, cả hai đùn đẩy trách nhiệm. Cuối cùng tòa quyết định người mẹ nuôi con, còn cha cấp dưỡng theo luật định. Phiên tòa vừa kết thúc, không thèm để ý đứa con đói bụng đang khóc thét trong tay bà nội, cha và mẹ ruột của đứa bé leo lên xe người tình đang đợi sẵn, chạy đi.

 

Khi cảm thấy không còn sống chung được nữa, người trong cuộc quyết định chia tay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt, nhưng chung qui cũng vì cái tôi quá lớn của mỗi người, không ai chịu nhường ai, nên đường tình đành đôi ngã. Và con cái luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo số liệu của TAND TP Cần Thơ, từ tháng 10-2012 đến tháng 9- 2013, ở cấp sơ thẩm, tòa thụ lý 43 vụ, cấp phúc thẩm thụ lý 63 vụ, tăng so với năm 2012. Cùng thời điểm này, TAND quận Ninh Kiều thụ lý 735 vụ, trong đó, có 63 vụ án tồn, giải quyết, xét xử 657 vụ. Trong năm 2012, đơn vị thụ lý 626 vụ (tính luôn án tồn), giải quyết 573 vụ. Thẩm phán Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Phó Chánh án TAND quận Ninh Kiều, nhận định: Thời gian gần đây, tình trạng ly hôn phát triển như một xu hướng sống, đối tượng ngày càng trẻ hóa, tập trung nhiều nhất từ 30-40 tuổi, đa số có con chung. Những cặp vợ chồng từ 20-30 tuổi, kết hôn chưa tròn năm, quyết định chia tay cũng tăng dần. Nguyên nhân ly hôn chủ yếu do mâu thuẫn về quan điểm sống, kinh tế, công việc gia đình và xã hội không được sắp xếp ổn thỏa, ngoại tình… Tình trạng yêu cuồng, sống vội, sống thử trước hôn nhân (có đăng ký kết hôn), khi không thích sống chung nữa thì ly hôn của một bộ phận giới trẻ cũng làm mai một phần nào giá trị truyền thống của gia đình. Chuyên gia tư vấn tâm lý Ngô Thành Thuận, Hội kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, chia sẻ: "Hiện nay, ly hôn không chỉ là vấn đề nhức nhối ở thành thị mà còn gia tăng ở nông thôn, vùng ven ngoại thành. Xã hội phát triển, cuộc sống thoáng hơn xưa, thủ tục kết hôn và ly hôn khá đơn giản… cũng khiến người ta dễ dàng nghĩ đến sự chia tay khi không muốn sống chung nữa".

Hệ lụy cho con cái

Giữa tháng 10-2013, trong những chuyến công tác ở huyện Thới Lai, chúng tôi đã gặp một số em có hoàn cảnh thật đáng thương khi cha mẹ ly hôn. Đây là một cú sốc mà có lẽ suốt cuộc đời các em không thể nào quên được. Như câu chuyện buồn của em Lâm Trọng Nhân, 13 tuổi, đang học Trường THCS Định Môn. Mấy năm nay, từ khi mẹ cha mỗi người mỗi ngã, Nhân và em trai (10 tuổi), về ở với ngoại. Nhân thường phụ ông ngoại giăng lưới, bắt cá kiếm tiền mua gạo và cố gắng học thật giỏi. Lúc nào Nhân cũng đau đáu ước mơ một ngày nào đó, cha mẹ nghĩ lại, không ly hôn nữa, gia đình sẽ đoàn tụ. Còn có em khi biết cha mẹ có gia đình riêng, sinh em bé, sợ mình là "vật cản trở", có chuyện buồn không dám gọi điện hay tìm gặp trò chuyện như trước, chỉ biết âm thầm buồn bã, trầm tư.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Ngô Thành Thuận cho biết, ông đã tham gia tư vấn rất nhiều trường hợp trẻ bị sốc tâm lý khi cha mẹ ly hôn, trong đó có một vụ làm ông trăn trở rất nhiều. Đó là một nữ sinh lớp 10 (ở quận Ninh Kiều), buồn vì cha mẹ quyết định chia tay, không biết chia sẻ với ai, đã gọi điện cho ông khóc nức nở. Cô bé kể, nhà mình rất khá giả, nhưng không ai quan tâm đến ai. Ngoài giờ học, cô bé chỉ quanh quẩn với người giúp việc. Biết cha có nhân tình, mẹ cặp bồ với người khác "ăn miếng trả miếng". Hai người đi suốt, hễ gặp mặt là cãi vã, đôi khi đánh nhau, đập phá đồ đạc. Những lúc đó, cô gái nhỏ sợ hãi, khóc lóc van xin nhưng vô vọng. Buồn chuyện gia đình, cô bé học hành sa sút, có hôm trốn học lang thang ngoài đường. Cô bé nói muốn tìm đến cái chết, để cha mẹ nghĩ lại, làm lành với nhau. Anh Thuận kể: "Tôi đã tìm cách gặp cô bé, gia đình, nhiều lần khuyên nhủ nhưng kết quả không như mong muốn. Cô bé đã uống thuốc ngủ tự vẫn, may nhờ người giúp việc phát hiện kịp thời, đưa đi bệnh viện cấp cứu. Sau cú sốc này, người mẹ đã chịu bình tâm lại, tạm gác quyết định ly hôn. Đây cũng không phải trường hợp cá biệt, nhiều em đã nổi loạn, quậy phá, phản ứng tiêu cực khi sống trong một gia đình không hạnh phúc".

Ly hôn, mỗi người mỗi ngã, mải mê hạnh phúc riêng tư, các bậc cha mẹ không nhớ mình còn có những đứa con là kết tinh tình yêu, một thời còn hiện diện trong cuộc đời. Đến một ngày khi hay tin con hư hỏng, thậm chí trở thành tội phạm mới "giật mình", thì không còn cứu vãn được nữa. TAND quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy từng xét xử những vụ án trộm cắp, cướp giật tài sản, bị cáo nhìn rất ngầu, tỏ vẻ bất cần đời, nhưng khi Hội đồng xét xử hỏi về hoàn cảnh gia đình, đã bật khóc tại tòa vì "chạm đến nỗi đau" sâu thẳm trong tâm hồn. Đó là đã bị cha mẹ bỏ mặc sau khi họ ly hôn. Chúng tôi cũng đã từng chứng kiến một bị cáo nhất định không nhận thức ăn cũng như không chịu gặp mặt mẹ ruột trong lúc chờ tuyên án, vì người mẹ này nhẫn tâm bỏ con, đi lấy chồng khác.

Luật sự Ngô Công Minh, Đoàn Luật sự TP Cần Thơ, tâm sự: "Mỗi khi nhận hồ sơ vụ việc, tôi đều tìm hiểu đương sự có con hay không và nguyện vọng của cháu bé như thế nào. Nếu có con, chúng tôi sẽ tìm cách cứu vãn, không để trẻ phải gánh hậu quả từ sự chia tay của cha mẹ. Sống trong một môi trường thiếu vắng tình thương, thậm chí chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa, xem nhau như kẻ thù, trẻ sẽ phát triển nhân cách lệch lạc".

Thiếu tá Phạm Quốc Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Ninh Kiều, cho biết: "Đội đã từng thụ lý nhiều vụ án mà các đối tượng phạm tội còn ở tuổi vị thành niên, cha mẹ ly hôn, không ai quan tâm, chăm sóc, nghe lời bạn xấu rủ rê, sa chân vào con đường phạm pháp. Có trường hợp liên hệ với gia đình mời người tới giám hộ nhưng chẳng gặp ai. Giá như các em ấy được người thân dạy dỗ đàng hoàng thì đâu nên nỗi…".

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

--------------

Bài cuối: Phía sau bản án ly hôn

Chia sẻ bài viết