03/12/2023 - 08:45

Về Nghệ Tĩnh...
Bài 3: Linh thiêng Đồng Lộc 

Cách đây chừng 20 năm, hồi còn sinh viên, tôi lần đầu đọc được bài thơ “Cúc ơi” của nhà thơ Yến Thanh. Lần tìm, tôi lại được nghe bài hát phổ từ bài thơ này. Mỗi lần đọc thơ, nghe nhạc, tôi lại không ngăn nổi xúc động mà rơi lệ. Cảnh tượng bi hùng của 10 cô gái Thanh niên xung phong (TNXP) ở Ngã Ba Đồng Lộc cứ như hiện về trước mắt. Tôi ước, một lần được đến với Đồng Lộc, được thắp nhang viếng từng mộ phần của những cô gái mãi mãi ở lại tuổi thanh xuân...

“Cúc ơi!”

“Cúc ơi! em ở đâu?/ Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố/ Ăn quýt đỏ Sơn Bằng/ Chăn trâu cắt cỏ/ Bài toán lớp Năm em còn chưa nhớ/ Gối còn thêu dở/ Cơm chiều chưa ăn/ Ở đâu hỡi Cúc/ Đồng đội tìm em/ Đũa găm cơm úp/ Gọi em/ Gào em/ Khan cổ cả rồi/ Cúc ơi!”. Rời Nghệ An, qua cầu Bến Thủy, hướng về Ngã Ba Đồng Lộc, tôi cứ nhẩm mấy câu thơ đã thuộc làu đó. Lòng sao cứ hồi hộp, lâng lâng. Và kia rồi, tượng đài Chiến thắng Ngã Ba Đồng Lộc hiện ra trước mắt.

Tượng đài Chiến thắng Ngã Ba Đồng Lộc.

Tiếp đoàn của chúng tôi là Thanh Bình, cô gái mới 27 tuổi. Thanh Bình quê Hà Tĩnh, học Quản lý văn hóa ở Trường Đại học Vinh và về quê hương công tác được 5 năm. Cô nhẹ nhàng: “Ngã Ba Đồng Lộc là niềm tự hào trong em khi còn rất nhỏ. Hồi còn học sinh, khi được tham quan di tích, em luôn ước mơ một ngày được cùng các thuyết minh viên kể về Ngã Ba Đồng Lộc, kể về 10 cô gái TNXP anh hùng. Bây giờ, em đã làm được điều đó”.

Sau khi thắp hương ở Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ TNXP toàn quốc, Thanh Bình hướng dẫn chúng tôi đến khu mộ 10 cô gái TNXP đã hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc. Giọng trầm hùng mà da diết, Thanh Bình kính cáo anh linh các cô rằng, có đoàn từ Cần Thơ ra viếng. Cô thuật lại câu chuyện về ngày định mệnh năm xưa và đọc lại bài thơ “Cúc ơi”. Đứng dưới mưa, chúng tôi khóc!

Trong kháng chiến, Ngã Ba Đồng Lộc là chiến trường ác liệt, nằm trên đường Trường Sơn huyền thoại. Ngã Ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là độc đạo, mặt đường như một lòng máng, bom địch thả xuống bên nào, đất đá cũng lăn xuống đường làm cản trở giao thông. Ngã Ba Đồng Lộc như một yết hầu trên tuyến đường từ Bắc vào Nam, qua trạm này sẽ phân tán hỏa lực ra nhiều tuyến đường khác. Địa bàn trọng yếu nên địch luôn âm mưu ném bom hủy diệt nhằm chặn đứt sự chi viện sức người, sức của, vũ khí của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Chuyện kể rằng, chiều 27-4-1968, Tiểu đội 4 - Đại đội 552 TNXP được lệnh dọn dẹp, san lấp khu vực địch vừa thả bom để sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú, giúp thông đường cho xe qua. Hôm đó, nhận lệnh, 10 cô lên đường làm nhiệm vụ, gồm Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc và 8 cô gái TNXP như trong câu thơ của nhà thơ Yến Thanh “Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh”. Các cô lên đường khi bữa cơm chiều còn đang dang dở. Họ háo hức gọi nhau đi làm nhiệm vụ, ai cũng rạng rỡ nói cười. Bỗng, một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm, chúng bay qua rồi bất ngờ quay lại, thả một loạt bom. Một trái bom trong số đó đã rơi ngay hầm các cô đang trú ẩn. Máy bay đi qua, các tiểu đội TNXP, nhân dân quanh vùng lao ra tìm kiếm, gọi tên từng người. Nhưng không ai trả lời. Các cô đã vĩnh viễn ra đi trong lòng đất mẹ Đồng Lộc. Người lớn tuổi nhất là cô Cúc và cô Tần, mới 24 tuổi; cô em út Võ Thị Hà ra đi khi vừa tròn 17 tuổi...

Hàng trăm khối đất đá được lật tung, mọi người gọi tên từng cô, mong có tiếng trả lời. Nhưng cũng không một ai trả lời... Trong đêm, thi thể 9 cô đã được tìm kiếm, đang nằm trong quan tài xếp hàng ngang, chỉ còn Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc. Như lời thơ của Yến Thanh: “Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn quây quần đủ mặt/ Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh/ A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh/ Chỉ thiếu mình em/ Chín bỏ làm mười răng được”.

Mọi người quyết tâm đào bới tìm cô, tất cả đều bằng tay, bởi: “Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần/ Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/ Cúc ơi! Em ở đâu?/ Đất nâu lạnh lắm/ Da em xanh/ Áo em thì mỏng!”. Sang ngày thứ ba, đồng đội tìm thấy cô Cúc trên đồi Trọ Voi, cách hố bom cũ 20m trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, móng tay dính đầy bùn đất, đôi tay bầm tím. Cảnh tượng đó cho thấy, cô đã cố bới vẹt đất đá để tìm lối thoát thân, nhưng đã không có phép màu...

Tác giả bài thơ “Cúc ơi” là nhà thơ Yến Thanh, một cán bộ kỹ thuật Đội N55, chứng kiến toàn bộ sự việc. Những câu thơ được ông viết lên từ sự đau xé ruột gan. Những câu thơ: “Cúc ơi! Em ở đâu” lặp đi lặp lại bằng sự quặn thắt. Phải mà, “chín bỏ làm mười răng được”.

Kể rồi, chúng tôi khóc và Thanh Bình cũng rươm rướm nước mắt. Cô hướng dẫn chúng tôi thắp nhang trước tượng đài, trước từng phần mộ. Mộ các cô toàn hoa cúc trắng, trên mộ, ai đã tặng các cô chiếc gương, cây lược, vài ba thỏi son phấn. Các cô mãi mãi tuổi thanh xuân, một thanh xuân rạng ngời hiến dâng cho Tổ quốc.

“Hoa ngàn bông, tưởng niệm anh hùng”

Bài văn tế rất dài do GS Vũ Khiêu phụng soạn, được khắc đá tại Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ TNXP toàn quốc, có đoạn rằng:

“Ngã Ba Đồng Lộc rộn rã trống chiêng

Một dải Trường Sơn tưng bừng cờ xí

Hoa ngàn bông, tưởng niệm anh hùng

Hương vạn nén, nhớ thương liệt sĩ”

Quả là vậy, về Ngã Ba Đồng Lộc, ai cũng bước chầm chậm, ngắm nhìn thật lâu và ai cũng ít nói cười. Trước những câu chuyện bi hùng, nghĩa đảm, ai cũng rưng rưng xen lẫn tự hào.

Ngã ba Đồng Lộc hiện nay thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích được Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm TNXP toàn quốc. Ngày 9-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc là Di tích quốc gia đặc biệt trong hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Theo sử liệu, từ năm 1964-1972, tuyến đường quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị đánh phá và chia cắt hoàn toàn, thời điểm đó mọi thông thương từ miền Bắc vào miền Nam phải đi qua con đường 15A. Trong đó, Ngã Ba Đồng Lộc là một địa điểm hiểm trở trên con đường này. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Xác định được vị trí chiến lược của Ngã Ba Đồng Lộc, từ năm 1964-1972, Ngã Ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là năm ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã Ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây phải gánh chịu trên 3 quả bom, mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom. Ngã Ba Đồng Lộc nổ tung lên, không có một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi.

Tại chiến trường Ngã Ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng: bộ đội, TNXP, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích... số người chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người, làm nhiệm vụ chiến đấu đánh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường chỉ lối, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những đồi núi hoang vu, trơ đá năm nào giờ đã xanh rì, đất Đồng Lộc đã bằng phẳng, đường Đồng Lộc đã thênh thang. Tiếng bom đạn năm nào giờ thay bằng tiếng chim reo, tiếng chuông đền tưởng niệm. Có những hố bom được giữ lại, những mảnh bom vẫn găm vào lòng đất, những xác máy bay hoen màu thời gian... đó là chứng tích chiến tranh của một Đồng Lộc can trường, của một Việt Nam anh hùng. Đàn bồ câu thường bay về uống nước ở di tích hố bom, bầu trời vừa dứt mưa bỗng nắng rực, trời xanh. Màu xanh của hòa bình trên quê hương Đồng Lộc, vỗ về giấc ngủ ngàn thu cho 10 cô gái Tiểu đội 4 TNXP, của biết bao người con đã ngã xuống nơi chiến trường Đồng Lộc, gửi mình vào dải Trường Sơn.

Tôi ngắm nhìn thật lâu Tượng đài Chiến thắng Ngã Ba Đồng Lộc, được xây dựng trên những hố bom đã san lấp. Phía trước tượng đài là Ngã Ba huyền thoại. Tượng đài sừng sững giữa nắng, giữa mưa, giữa bao dòng người tìm về với huyền thoại, để chiêm ngắm những bông hoa bất tử. Xung quanh chân tượng đài là biểu tượng của khói lửa, đạn bom và các vầng mây biểu trưng hòa bình, hy vọng và màu xanh bất diệt của bầu trời Đồng Lộc. Xung quanh chân tượng đài xếp hình cánh cung là những bức phù điêu miêu tả không khí sôi nổi khẩn trương của TNXP, công nhân giao thông, bộ đội, dân quân, lái xe, nhân dân Đồng Lộc và các xã lân cận san đường, lấp hố, phá bom... dẫn đường cho xe qua.

Lên xe ra về, chia tay Ngã Ba Đồng Lộc, tôi cúi đầu thật sâu trước tượng đài. Cúi đầu những người con anh hùng của Tổ quốc anh hùng!

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Kính mời quý độc giả xem 

Bài cuối: “Kẻ Gỗ là đây, bao năm đợi tháng chờ” trên Báo Cần Thơ chủ nhật, ngày 3-12.

Chia sẻ bài viết