Chúng tôi lại có dịp trở về Mã Đà sơn cước, với Chiến khu Đ lừng lẫy năm xưa, nơi sinh ra tác phẩm “Kòn Trô” nổi tiếng của nhà văn Lý Văn Sâm. Mã Đà sơn cước nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, là vùng rừng nguyên sinh bạt ngàn rộng hơn 100.000ha, trong đó có 32.000ha mặt nước hồ Trị An; là nơi có nhiều di tích văn hóa, lịch sử gắn liền với Chiến khu Đ.
Nhà văn Lý Văn Sâm có một sự nghiệp tài hoa, một tinh thần đại nghĩa đặc trưng của hào khí núi sông Đồng Nai. Ông cũng là nhân vật hội đủ mọi tính cách điển hình và độc đáo của người phương Nam, mà càng tìm hiểu chúng ta càng phát hiện nhiều điều bất ngờ thú vị. Lòng yêu nước với tinh thần Lục Vân Tiên trước giặc ngoại xâm đã đưa Lý Văn Sâm trở thành một người cộng sản tranh đấu hàng đầu trên mặt trận văn hóa; đồng thời ông vẫn phóng khoáng để sống cuộc đời sôi động, phong phú, luôn xê dịch.
Đối với văn chương, Lý Văn Sâm là cây bút đa năng, viết nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, thơ, bút ký, tạp văn, kịch, tuồng cải lương. Cảm hứng từ quê hương văn học ở núi rừng Biên Hòa, Đồng Nai, nhưng sự nghiệp văn chương của Lý Văn Sâm lại chủ yếu gắn liền với Sài Gòn nơi ông dấn thân tranh đấu bằng cây bút và khẳng định được tài năng, vị thế trên văn đàn.
Ngược dòng lịch sử văn học trước năm 1945, nếu như Lan Khai và Thế Lữ là hai cây bút lẫy lừng về thể loại truyện đường rừng ở miền Bắc, thì ở miền Nam có Lý Văn Sâm giữ vị trí độc tôn với những truyện ngắn như: “Cây nhị sông Phố”, “Kòn Trô”, “Thần Ngư động”… Sau Cách Mạng Tháng Tám, tại trung tâm Sài Gòn, với tư cách chiến sĩ bí mật tranh đấu công khai trên báo chí, nhà văn Lý Văn Sâm đã tiếp tục viết và lách, phát huy thế mạnh chủ yếu là chuyện đường rừng để gián tiếp thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và chống lại các thế lực cường quyền, ngoại xâm. Đây là chặng đường sáng tác mạnh mẽ, sung sức nhất của ông với 35 truyện ngắn, 16 truyện vừa, 11 vở kịch. Trong đó, về truyện ngắn, tiêu biểu có: “Thâm u và cao cả”, “Xác Mu Mi trên núi đá”, “Răng Sa Mát”, “Mũi Tổ”, “Ngăn rạch bắt sấu”, “Rồng bay trên núi Gia Nhang”, “Sương gió biên thùy”, “Nắng bên kia làng”…; truyện vừa có: “Chiếc vòng ngọc thạch”, “Sau dãy Trường Sơn”, “Nợ nước thù nhà”, “Đất khách”, “Nga và Thuần”, “Vợ tôi người dân tộc thiểu số”…
Không chỉ trong giai đoạn 1947 đến 1954, mà sau đó nhà văn - nhà báo Lý Văn Sâm còn tiếp tục dùng ngòi bút tài hoa, dũng cảm của mình trong cuộc đối đầu không cân sức và trực diện với chính quyền Việt Nam Cộng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm đứng đầu. Đỉnh điểm là truyện ngắn “Chuông rung trên tháp đổ” với nhiều hình tượng ẩn ý của ông đăng trên đặc san xuân Dân Tộc vào Tết Bính Thân 1956 gây chấn động dư luận.
Cũng vì sức lan tỏa của truyện ngắn “Chuông rung trên tháp đổ” mà nhà văn Lý Văn Sâm bị kẻ thù bắt giam. Ông cùng hàng trăm đồng chí của mình tổ chức vượt ngục nhà lao Tân Hiệp ở Biên Hòa. Nhà văn Lý Văn Sâm may mắn thoát ra chiến khu, trong khi người bạn thân thiết Dương Tử Giang cũng là nhà văn, nhà báo cùng nhiều người khác đã ngã xuống trước làn đạn truy kích của đối phương. Từ đây, ông trở thành một trong những người góp công xây dựng lực lượng văn nghệ giải phóng, giữ nhiều trọng trách, dọc ngang khắp chiến khu miền Đông và cả Nam bộ cho tới ngày đất nước hoà bình, thống nhất.
***
Quê nội nhà văn Lý Văn Sâm ở làng Bình Long, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Còn quê ngoại ông ở làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên, nay thuộc thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Lý Văn Sâm chào đời ở quê ngoại làng Tân Nhuận và gắn bó với nơi đây gần suốt thời ấu thơ, nên về sau trong nhiều trang viết của mình ông hay nói tới ngôi làng nhỏ này nằm bên hữu ngạn dòng sông Bé - một phụ lưu của sông Đồng Nai.
Có sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ khi chỉ một khúc sông Đồng Nai mà hai bên bờ của nó với những làng mạc vốn xa xôi heo hút đều thuộc quận Tân Uyên xưa, lại sinh ra bốn nhà văn danh vang thiên hạ: Huỳnh Văn Nghệ, Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn. Trong đó, Lý Văn Sâm là người có mối quan hệ đặc biệt và khác biệt với từng người trong cả ba nhà văn đồng hương. Ngoài Bình Nguyên Lộc thì Lý Văn Sâm cùng hai nhà văn còn lại đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Từ trái sang: Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhà văn Nguyễn Văn Bổng và nhà văn Lý Văn Sâm trong chiến khu chống Mỹ. Ảnh: TL
Lý Văn Sâm đã góp phần làm rạng danh văn hóa Đồng Nai và chính sông núi quê hương, ký ức tuổi thơ đã hun đúc nên con người, tính cách và sự nghiệp của tác giả “Kòn Trô”. Trò chuyện với chúng tôi, ông cho hay: “Đến năm bảy tuổi, tôi mới có dịp ra thị trấn Tân Uyên, nên từ nhỏ tôi đã có tâm hồn ẩn dật. Tôi cứ ngồi bó gối ở trong nhà bà ngoại, thấy xe hơi chạy, ao ước có lúc mình được ngồi trên chiếc xe đó. Ông già tôi làm kiểm lâm và lãnh tiền xâu trả cho công nhân đốn cây. Từ nhỏ, tôi ở với bà ngoại, không có điều kiện trò chuyện với ai. Tôi trở thành cậu bé hết sức cô đơn. Một lần nhà bị cháy, gia đình ngoại tôi chạy từ rừng về, tưởng tôi bị chết cháy trong đó rồi. May có cô câm giúp việc tên là Quơn la ú ớ rồi nhảy vô cứu tôi. Nếu không có cô ấy thì bây giờ tôi chẳng còn. Lúc bảy tuổi, tôi đã biết tiếng Tây do cha tôi dạy”.
Vì mẹ phải tảo tần buôn bán quanh năm từ quê ra tận tỉnh thành Biên Hòa, Sài Gòn nên bà ngoại trở thành người mẹ thứ hai trong suốt bảy tuổi đầu của Lý Văn Sâm trước khi đến trường. Phong cảnh núi rừng mênh mông thâm u đầy bí ẩn đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ ông như sau này nhà văn tự thuật lại trong truyện ngắn tâm đắc “Nắng bên kia làng”: “Tôi lớn lên giữa một vùng thiên nhiên phóng khoáng, bên những người thân yêu mộc mạc, xa ánh sáng văn minh, xa tiếng nói của thị thành. Và như thế trọn bảy năm. Tâm hồn tôi là tâm hồn của những đứa trẻ nhút nhát run sợ trước cảnh bão tố đè rạp rừng già, thổi tốc mái nhà tranh khiến phần đông người trong xóm nheo nhóc như lũ chim mất ổ”.
Sinh ra trong gia đình tương đối khá giả ở chốn núi rừng, Lý Văn Sâm đã được cha mẹ nuôi dạy ăn học với mong ước thành tài. Từ bậc tiểu học đến trung học ông trải qua các trường ở Biên Hòa, Sài Gòn rồi ngược ra tận xứ Huế. Trong bài “Tôi viết văn” đăng trên báo Sống Mới số xuân năm 1950 ở Sài Gòn, nhà văn Lý Văn Sâm có tự thuật:
“Tôi vốn có khiếu văn chương từ năm tôi ngồi lớp nhất trường Biên Hòa. Tôi giỏi Việt văn là lẽ cố nhiên, nhưng tôi không có mộng trở nên văn sĩ sau này. Hồi ấy, tôi rất thích quyển “Lời hoa” của Trí Đức văn đoàn Đông Hồ tiên sinh ở Hà Tiên xuất bản. Tôi thích quyển ấy vì những ngọn gió quê, của những đồng lúa Tân Ba Biên Hòa thổi vào lòng tôi một cảm giác thơm ngọt ngọt và khởi cho hồn văn của tôi một hứng thú mới”. Sau đó, Lý Văn Sâm dự định ra Hà Nội học nhưng số phận đưa ông dừng chân ở Huế học trường Hồ Đắc Hàm. Cảnh sắc thơ mộng sông Hương núi Ngự đã khơi hứng trở lại tình yêu văn chương trong tâm hồn lãng mạn của chàng trai núi rừng miền Đông đất đỏ. Rời xứ Huế trở về quê nhà, Lý Văn Sâm được cha giao cai quản lò than ở Trị An. Thiếu vắng bạn bè, xung quanh chỉ cỏ cây, nước non, ghềnh thác. Buồn, cô đơn, cây bút và trang giấy trắng tình cờ trở thành người bạn tâm tình. Chàng trai của chốn núi rừng lao vào viết để tự giải toả nỗi lòng. Viết bằng bản năng, bằng mắt thấy tai nghe giữa thiên nhiên “thâm u và cao cả”, bằng trí tưởng tượng thăng hoa với sự trải nghiệm của ký ức u huyền, bí ẩn… để rồi những trang văn đường rừng ly kỳ lần lượt xuất hiện quyến rũ bao thế hệ bạn đọc.
Cùng với Vũ Anh Khanh, nhà văn Lý Văn Sâm được các nhà nghiên cứu văn học đánh giá là một trong hai cây bút xuất sắc nhất ở miền Nam giai đoạn 1945-1954. Về sau ông viết ít đi, nhưng với vai trò là một trong những thủ lĩnh của văn nghệ kháng chiến miền Nam cùng với Trần Hữu Trang, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Bổng, Giang Nam, Hoài Vũ, Anh Đức… ông đã có những đóng góp quý giá khác vẫn bằng tâm thế và nghĩa khí của một người yêu văn chương và yêu nước.
Phan Hoàng