23/11/2008 - 07:30

Về đâu kinh đô xe hơi Mỹ?

Tuyết mùa đông bắt đầu rơi xuống Detroit, thành phố lớn nhất bang Michigan, được mệnh danh là “kinh đô xe hơi” của Mỹ. Tiết trời giá lạnh không làm Walt Tutak bất an bằng cái không khí lạnh lẽo đang bao trùm ngành công nghệ ô tô nước này. Từ năm 2006 đến nay, 3 đại gia ô tô đặt tổng hành dinh ở Detroit - General Motors, Ford và Chrysler - sa thải hơn 100.000 lao động. Tháng qua, doanh số xe tải của General Motors giảm tới 51%, ô tô con giảm 34%. Trong khi đó, dòng xe thể thao SUV của Ford cũng giảm 53%. “Tôi làm nghề này đã 34 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến tình cảnh bi đát như hiện nay”, Tutak - tổng giám đốc hãng đại lý xe Matthews Hargreaves Chevrolet - than thở.

Các hãng đại lý ô tô thuê hơn 1 triệu nhân công trên khắp nước Mỹ. Phần đông số này đang đứng trước nguy cơ mất việc. Giống như những hãng khác, Matthews Hargreaves Chevrolet cũng bị “dính đạn”, với doanh số sụt giảm đáng kể. Trước tình hình 3 tập đoàn xe hơi đang trên bờ vực khủng hoảng, Tutak cho rằng chính phủ nên bảo đảm rằng 3 ông lớn này sẽ thay đổi cung cách làm ăn trước khi quyết định “giải cứu” họ. “Bởi họ không thể tiếp tục kiểu kinh doanh không đếm xỉa đến nhu cầu của khách hàng như trước nay và sẽ không thể nào đứng vững được”, Tutak nhận định.

Walt Tutak rầu rĩ trước sự trượt dốc của thị trường ô tô Mỹ. Ảnh: BBC 

Hiện các công ty sản xuất phụ tùng cho 3 “gã khổng lồ” trên, nắm khoảng 500.000 lao động, cũng bị liên lụy. Người ta lo sợ nếu một trong ba tập đoàn ô tô ở Detroit sụp đổ thì ngành sản xuất phụ tùng xe hơi cũng sẽ điêu tàn. “Thời điểm hiện tại có ý nghĩa sống còn. Nếu từ đây đến cuối tháng, chính phủ không giải cứu ngành ô tô, chúng ta sẽ phải tự cứu lấy mình”, Neil de Koker, Chủ tịch Hiệp hội các nhà cung cấp phụ tùng ô tô chính hãng, cảnh báo.

Earl Fuller là giám đốc Trung tâm công nghệ GM, chuyên nghiên cứu - phát triển các mẫu xe mới cho General Motors. Mấy tháng nay, Fuller chứng kiến hàng trăm công nhân lành nghề của mình khăn gói ra đi do một loạt dự án bị hủy bỏ hoặc gác lại. Ông cho rằng nếu chính phủ nói “không” với đề nghị trích 25 tỉ USD trong gói cứu trợ 700 tỉ USD để giải cứu ngành ô tô thì hậu quả sẽ rất khôn lường, tác động đến cả nền kinh tế chứ không riêng gì ở Detroit. “Khi đó, ngành xe hơi sẽ không bao giờ có thể gượng dậy và Mỹ sẽ không còn là cường quốc công nghiệp”, Fuller nhận định.

Trước tình hình các tập đoàn ô tô ở Detroit đồng loạt cầu cứu chính phủ, gần như không một người dân nào tại đây phản đối việc cứu trợ tài chính. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng 3 đại gia xe hơi nên “bụng làm dạ chịu” bởi họ chậm chạp trong việc cải tiến lề lối kinh doanh theo hướng thích nghi với sự sụt giảm của nền kinh tế, cũng như chậm chuyển qua phát triển dòng xe cỡ nhỏ hơn và ít hao nhiên liệu, dẫn đến mất thị phần vào tay các đối thủ châu Á ngay trên sân nhà. Nay họ lại bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, làm “bốc hơi” các khoản vay mua xe hơi cho phép người tiêu dùng sắm xe mới. “Dù phá sản hay được giải cứu thì những hãng xe hơi cũng sẽ phải teo tóp lại. Khuynh hướng của ngành ô tô sẽ không còn là xoay xở để tăng trưởng mà là xoay xở để sụt giảm. Và thành phố xe hơi Detroit sẽ không còn tồn tại”, Daniel Howes, cây bút thương mại của tờ Detroit News, dự báo.

Anton Lulgjuraj, chủ quán ăn Marko’s Grecian Palace nằm đối diện Trung tâm công nghệ GM, cũng nhận thấy xu hướng thu nhỏ lại của ngành công nghiệp xe hơi. Năm ngoái đến nay khi các nhà sản xuất ô tô ồ ạt cắt giảm nhân công, doanh thu của Marko’s giảm 50%. “Trước đây, công nhân các hãng xe đến đây dùng bữa mỗi ngày 3 lần. Nhưng nay chỉ vài người đến dùng bữa trưa. Việc làm ăn của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi ngành ô tô lâm trọng bệnh thì những ngành nghề xung quanh nó cũng bị vạ lây”, ông chủ Lulgjuraj rầu rĩ. Để duy trì hoạt động, Lulgjuraj buộc phải giảm bớt lao động. Ông đã cho nghỉ việc 3 đầu bếp và 5 nhân viên phục vụ. Trung tâm mua sắm cạnh Marko’s Grecian Palace cũng vắng không một bóng người. Siêu thị Wal-Mart đã dẹp tiệm từ lâu. 5 cửa hiệu khác, trong đó có một thẩm mỹ viện và một cửa hàng quà tặng, gần đây cũng đóng cửa. Lulgjuraj lo sợ quán ăn của mình sẽ là nạn nhân kế tiếp.

DIỆP MAI (Theo BBC, Guardian)

Chia sẻ bài viết