03/11/2008 - 20:59

Giáo viên mầm non

Vất vả, thiệt thòi !

Năm học 2008-2009, ngành giáo dục bắt đầu thực hiện Thông tư liên tịch hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành ngày 28-11-2007 (gọi tắt là Thông tư 71). Theo thông tư này, giáo viên mầm non phải đảm bảo làm việc đủ 8 giờ/ ngày. Khi đi vào thực tế, qui định này gây không ít bức xúc cho giáo viên và khó khăn cho cơ sở giáo dục.

“Ép” cho đủ giờ

Cô Trần Thị Trung, giáo viên Trường Mẫu giáo Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, dạy 2 lớp 5 tuổi ở 2 điểm lẻ của trường: điểm ở ấp 7 và điểm ở ấp 8, xã Thới Hưng. Hai điểm này cách nhau khoảng 5 km. Nếu như trước đây, cô Trung sẽ được tính thêm thù lao giảng dạy lớp thứ hai. Nhưng từ khi thực hiện Thông tư 71, khoản thù lao đó không còn nữa. Cô Phạm Thị Liễu, phụ trách bậc học mầm non huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Thông tư 71 qui định mỗi giáo viên mầm non phải làm việc 8 giờ/ ngày nên ngành không thể trả thêm thù lao dạy buổi thứ hai cho giáo viên dạy 2 lớp”. Điều bất hợp lý là Thông tư 71 cũng qui định đối với lớp học không có trẻ bán trú, mỗi giáo viên phụ trách lớp có từ 20 đến 25 trẻ. Thế nhưng, 2 lớp mà cô Trung phụ trách có gần 70 học sinh. Tính theo Thông tư 71, cô Trung phải dạy gần 3 lớp!

 Cho trẻ ăn buổi trưa ở Trường mầm non Thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ.

Hiện nay, tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đều thiếu giáo viên mầm non, có nơi như huyện Cờ Đỏ thiếu khoảng 100 giáo viên. Trước đây, các trường có thể phân công một số giáo viên có chuyên môn phụ trách 2 lớp và trả thù lao thêm cho giáo viên. Thế nhưng, khi thực hiện Thông tư 71, việc phân công giáo viên gặp nhiều khó khăn. Hầu hết giáo viên đều từ chối dạy 2 lớp mà chỉ đồng ý dạy một buổi, buổi còn lại đến trường soạn giáo án. Đây cũng là điều đương nhiên, bởi phụ trách thêm 1 lớp, giáo viên sẽ vất vả hơn nhiều mà chẳng được hưởng thêm quyền lợi gì. Cô Phạm Thị Liễu cho biết: “Tình trạng thiếu giáo viên nay lại càng trầm trọng hơn, chúng tôi đành phải hợp đồng người không có chuyên môn. Tất nhiên, khó mà đảm bảo chất lượng giáo dục trẻ”.

Buộc giáo viên dạy 1 buổi, buổi còn lại phải vào trường soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học nhưng phần lớn các trường ở vùng ven, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Nhiều nơi, trẻ phải học nhờ, học gởi ở trường tiểu học, nhà dân... thì lấy đâu ra phòng ốc làm việc để cho giáo viên vào làm việc. Buộc giáo viên tập trung về điểm chính thì lại gặp trở ngại về đường sá. Chẳng hạn, Trường Mẫu giáo Trường Xuân A, huyện Cờ Đỏ, có đến 13 điểm lẻ; nhiều điểm lẻ cách điểm trung tâm 5- 7km, phải đi bằng ghe. Trước thực tế trên, được phép của ngành, có trường cho giáo viên tự soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học tại điểm lẻ. Nếu điểm lẻ là nhà dân hay mượn của trường tiểu học dạy trái buổi thì giáo viên soạn giáo án tại nhà. Linh động nhưng lãnh đạo các trường vẫn thắc thỏm bởi nỗi lo làm trái với Thông tư 71.

Làm hơn 8 giờ vẫn không được hưởng thêm giờ

Một ngày làm việc của cô Nguyễn Ngọc Diệu, giáo viên Trường Mầm non Thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, bắt đầu từ 6 giờ sáng với những công việc: làm vệ sinh phòng lớp, đón trẻ... Để có mặt tại trường đúng 6 giờ, cô phải rời nhà từ lúc 5 giờ 30 phút. Sau khi cho trẻ ăn sáng, cô Diệu và đồng nghiệp bắt đầu tổ chức các hoạt động cho trẻ học tập, vui chơi. Cứ vậy, kéo dài đến giờ cho trẻ ăn trưa rồi ngủ trưa. Khi trẻ ngủ, các cô cũng không hề được nghỉ ngơi mà thay phiên nhau, 1 người trông trẻ, người còn lại soạn giáo án, làm hồ sơ sổ sách. Buổi chiều, lại tiếp tục các hoạt động, cho trẻ ăn xế, chuẩn bị trả trẻ... Loay hoay đến cuối buổi, hôm nào phụ huynh rước trẻ đúng giờ thì cô Diệu và đồng nghiệp được ra về sớm, tức khoảng 17 giờ, sau khi đã làm vệ sinh phòng học xong. Những lúc phụ huynh bận việc, đón trẻ trễ, giáo viên phải chờ trẻ về hết mới được về, có khi đến 18 giờ. Cô Trần Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Thới Lai, nói: “Giáo viên nào của trường cũng phải làm việc theo một thời gian biểu như thế, rất vất vả!”.

Tính ra, giáo viên mầm non dạy bán trú phải làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày. Cô Phan Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Mầm non 1-6, quận Ninh Kiều, cho biết: “Trung bình, giáo viên có mặt ở trường từ 6 giờ 30 phút và ra về sau 17 giờ. Như vậy, mỗi ngày, giáo viên dạy bán trú làm vượt thời gian qui định hơn 2 giờ”. Ngày nghỉ của giáo viên mầm non cũng không được trọn vẹn vì hàng loạt công việc chờ các cô ở trường, lớp, như: giặt mùng cho trẻ, làm vệ sinh lớp học, làm đồ dùng dạy học... Thêm vào đó là sinh hoạt chuyên môn, các hội thi, phong trào... Cô Trần Thị Thảo bày tỏ: “Theo qui định, mỗi tháng giáo viên phải họp chuyên môn 2 lần, cuộc họp phải đảm bảo chất lượng. Vì vậy, trường không tổ chức họp chuyên môn xen kẽ vào giờ học, giờ chơi mà phải tổ chức một buổi họp vào ngày nghỉ. Những hội thi: bé kể chuyện, tìm hiểu về an toàn giao thông... cũng phải tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật”.

Làm việc 10-12 giờ/ ngày, làm cả ngày nghỉ, thế nhưng giáo viên mầm non không hề được hưởng thêm giờ hay một chế độ hỗ trợ nào khác. Trước đây, giáo viên bán trú được hỗ trợ 100.000 đồng/ tháng nhưng khoản tiền này cũng đã bị cắt. Nhiều giáo viên bức xúc nên đã xin chuyển sang những trường không tổ chức bán trú để dạy lớp 1 buổi.

***

Việc áp dụng Thông tư 71 đang gây bức xúc, khó khăn cho giáo viên mầm non và cả các cơ sở giáo dục. Rất khó có thể nói chính xác dạy tiểu học, THCS, THPT hay dạy ở bậc mầm non, giáo viên vất vả hơn, cần đầu tư nhiều công sức hơn, nhưng có thể khẳng định một điều chính mầm non là bậc học nền tảng cho sự phát triển của trẻ. Vì vậy, liệu qui định giáo viên mầm non phải làm việc 8 giờ/ ngày là có hợp lý trong khi theo qui định, giáo viên tiểu học chỉ dạy 23 tiết/ tuần, giáo viên THCS chỉ dạy 19 tiết/ tuần, giáo viên THPT chỉ dạy 17 tiết/ tuần và nếu dạy vượt số tiết qui định sẽ được trả tiền thêm giờ?

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết