05/12/2023 - 09:45

Vành đai rau xanh giúp dân thoát nghèo 

Từng là ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao hàng đầu của xã Thạnh Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), chỉ sau 10 năm thực hiện chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang trồng rau màu, đời sống người dân ấp Thạnh Hưng chuyển biến rõ nét, nhiều hộ từ nghèo khó vươn lên khá giả.

Ông Phùng Văn Trị An (hàng đầu, bìa trái), Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lộc tham quan mô hình trồng đậu đũa của đồng bào dân tộc Khmer ấp Thạnh Hưng.

Là một trong những hộ đi đầu trong phong trào chuyển đổi đất vườn tạp sang trồng rau màu ở ấp Thạnh Hưng, hiện ông Danh Yên thu lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng mỗi năm từ 1 công đất trồng rẫy. “Hết đậu đũa thì chuyển qua rau ăn lá. Rau màu ở ấp tiêu thụ mạnh tại TP Rạch Giá và chợ Minh Lương với giá bình quân khoảng 10.000 đồng/kg. Mỗi ngày vợ chồng tôi cũng kiếm được 200.000-300.000 đồng từ việc bán đậu đũa. Nhờ lắp dàn phun tưới tự động nên giảm công lao động, làm rẫy nhàn hơn”, ông Yên chia sẻ. 

Đi dọc theo con đường bê tông của ấp Thạnh Hưng, dễ nhận thấy đa số hộ dân ở ấp này đều tận dụng đất trống quanh nhà để trồng rau ăn lá, hoặc tỉa bắp, bắc giàn trồng bầu mướp… Với diện tích sản xuất nông nghiệp 554ha, địa hình ấp Thạnh Hưng trũng thấp với nhiều kênh rạch, hằng năm lại chịu ảnh hưởng lũ nên đời sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Làm sao để dân thoát nghèo là điều cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở. Trước tình hình đó, nhằm tận dụng đất đai, lao động sẵn có tại địa phương, nâng cao cuộc sống nhân dân, Chi hội Nông dân ấp Thạnh Hưng đề ra kế hoạch vận động người dân thay đổi cây trồng nhằm xóa nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Phùng Văn Trị An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lộc, cho biết: “Người dân ấp Thạnh Hưng bắt đầu chuyển đổi sang trồng rau xanh từ năm 2010. Ban đầu chỉ có vài hộ trồng, từ hiệu quả của những hộ đi đầu nên dần nhân rộng ra toàn ấp, toàn xã với tổng số 150 hộ, diện tích canh tác 4,5ha, hình thành một vành đai rau xanh với đủ chủng loại rau ăn lá, rau gia vị, củ, quả các loại”.

Mặc dù diện tích trồng rau màu của người dân ấp Thạnh Hưng bình quân 500m2/hộ nhưng hiệu quả mang lại không hề nhỏ. Ông Danh Tám, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thạnh Hưng nói: “Bình quân các hộ trồng màu sản xuất 4 vụ/năm, sản lượng khoảng 2.400kg/500m2. Nếu tính giá thấp nhất 5.000 đồng/kg rau, mỗi hộ cũng có thu nhập trên 12 triệu đồng/năm từ 500m2 đất”.

Năm 2013, toàn xã có 264 hộ nghèo, đến năm 2022, giảm còn 66 hộ. Riêng hộ nghèo ấp Thạnh Hưng từ 19,6% năm 2013 hiện giảm còn 0,5%, hộ khá giàu chiếm 4,4%. Có được kết quả này là nhờ người dân chuyển đổi sản xuất phù hợp thổ nhưỡng, cải tạo vườn tạp, đất bỏ hoang, đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu để tăng thu nhập. Thoát cảnh nghèo khó nhờ cần cù lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân ở ấp Thạnh Hưng còn sắm được phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, con em được học hành đến nơi đến chốn.

“Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con ấp Thạnh Hưng, tôi kiến nghị Hội Nông dân các cấp quan tâm tạo điều kiện để bà con tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng màu theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu rau xanh ấp Thạnh Hưng. Hiện đa số bà con chủ yếu tiêu thụ rau màu qua thương lái nên đầu ra chưa ổn định. Mong rằng, các cấp Hội hỗ trợ mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu để bà con an tâm sản xuất”, ông An nói.

Bài, ảnh: ĐẶNG LINH

Chia sẻ bài viết