10/04/2022 - 08:17

Vang vọng “Tiếng trống Mê Linh” 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Mỗi năm gần đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, các đơn vị nghệ thuật, đài truyền hình lại trình diễn, phát lại vở cải lương kinh điển “Tiếng trống Mê Linh”. Vở cải lương không chỉ khắc họa hình ảnh bà Trưng Trắc - người phụ nữ Việt Nam huyền thoại “thề hy sinh giết giặc cứu non sông” mà còn tô đậm truyền thống thờ cúng Hùng Vương, tri ân Quốc Tổ có từ ngàn xưa.

NSND Thanh Ngân vai Trưng Trắc diễn trích đoạn trong vở “Tiếng trống Mê Linh”.

Trong chương trình “Dạ cổ Cầm Thi” số mới đây, Nhà hát Tây Ðô (TP Cần Thơ) đã diễn lại trích đoạn trong vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”. Với các vai Thi Sách, Trưng Trắc và Ðông Bản, nghệ sĩ Nhà hát Tây Ðô diễn lại đoạn tâm tình giữa Thi Tướng quân và Trưng Trắc về nỗi đau mất nước. Ðược đạo diễn Kiều Mỹ Dung dàn dựng cùng những giọng ca sáng, diễn xuất đẹp, trích đoạn để lại nhiều ấn tượng thu hút người xem;

Ðúng ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch tới đây, Ðoàn 3 - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP Hồ Chí Minh) sẽ diễn suất thứ 3 vở “Tiếng trống Mê Linh”. Vở diễn có sự góp mặt của NSND Thanh Ngân, NSƯT Mỹ Hạnh, Nguyễn Văn Khởi, Kim Luận… 2 suất diễn trước đó đều có khán giả đến xem rất đông, hiệu ứng truyền thông tốt. Ðiều đó cho thấy sức hút vở diễn chưa bao giờ giảm.

Một ví dụ khác nữa về sức hút vở diễn kinh điển này là trong chương trình truyền hình “Thử thách trốn thoát” số phát sóng mới đây trên kênh VTV3, người chơi được tìm hiểu về loại hình nghệ thuật cải lương. Sau khi chinh phục các thử thách về xướng âm lòng bản, mật mã, dấu chỉ thông qua thông số là dữ liệu lịch sử cải lương, người chơi “trốn thoát” đến một sân khấu đang trình diễn cải lương. Nghệ sĩ Kiều Oanh trong vai Trưng Trắc cùng các nghệ sĩ diễn lại trích đoạn trong “Tiếng trống Mê Linh”, đoạn bà Trưng Trắc tế chồng, gióng trống đồng dấy binh khởi nghĩa. Diễn xuất xuất thần của nghệ sĩ Kiều Oanh khiến người xem trực tiếp và khán giả truyền hình trào dâng cảm xúc tự hào.

Vở “Tiếng trống Mê Linh” công diễn lần đầu năm 1977, góp phần làm nên tên tuổi của nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang, Bảo Quốc… Bối cảnh là năm 40 sau Công nguyên, vở diễn mở đầu bằng không khí hội hè vui vẻ, với lời bố cáo: “Nghe đây, nghe đây! Tất cả đồng bào hãy nghe đây, nghe đây! Hôm nay là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Thi Tướng quân mời tất cả dân làng tề tựu trước Ðền Hùng, chờ đến giờ làm lễ tế cáo cùng Quốc Tổ. Ðồng bào hãy nghe đây, nghe đây!...”. Nhưng rồi Giỗ Tổ bị tên Thái thú Tô Ðịnh ngăn trở. Dẫu biết tín ngưỡng thờ cúng Quốc Tổ là cội nguồn của dân tộc nhưng chúng buông lời chà đạp, khinh khi.

Kịch tính dâng trào, bà Trưng tế chồng, dõng dạc lời thề non sông: “Hỡi đồng bào trăm họ/ Giặc Ðông Hán đang xéo giày đất nước/ Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang/ Thà chết mà đứng thẳng/ Không cam chịu sống quỳ/ Ðất nước Nam cẩm tú/ Người dân Nam anh hùng/ Trước đền thờ Quốc Tổ/ Thề hy sinh giết giặc cứu non sông/ Xin thề!”. Tiếng trống đồng vang vọng trong vở diễn khiến bao thế hệ người xem phải nhớ mãi, tự hào mãi về hào khí Âu Lạc. Tiếng trống đồng trong thời khắc quan trọng quyết định khởi nghiệp của bà Trưng là lời hiệu triệu linh thiêng. Tiếng trồng đồng là hồn nước!l

Kịch bản vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” do soạn giả Vĩnh Ðiền, người con của quê hương Vĩnh Viễn (Long Mỹ - Hậu Giang), chuyển thể. Nguyên tác của vở diễn vốn là một vở chèo mang tên “Trưng Vương” của tác giả Việt Dung. Soạn giả Vĩnh Ðiền đã viết nên một cải lương xuất sắc, lời văn sắc sảo mà cảm động, tình tiết gay cấn mà da diết. Ðặc biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam được tô đậm qua vở diễn này.

Chia sẻ bài viết