14/09/2013 - 21:36

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN TP CẦN THƠ

Vẫn nhiều khó khăn

Đầu năm 2013 các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS) kỳ vọng hết năm nay, BĐS sẽ "tan băng". Tuy nhiên, đến nay không riêng TP Cần Thơ thị trường nhà đất chưa có dấu hiệu khởi sắc, giao dịch vẫn chậm... Theo các DN kinh doanh BĐS tại TP Cần Thơ, khi kinh tế đi lên mới kỳ vọng BĐS vực dậy…

   Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: T.KHIÊM 

Sau khi Chính phủ ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Nhìn chung từ đầu năm đến nay tình hình kinh tế có tiến triển. Tuy nhiên, vẫn chưa thể vực dậy toàn nền kinh tế, hàng tồn kho còn nhiều. Kinh doanh không hiệu quả nhất là các DN trong lĩnh vực BĐS. Để tồn tại DN đưa ra nhiều giải pháp để tự cứu mình như: khuyến mãi, giảm giá, cấu trúc lại sản phẩm để phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng. Không ít DN đã tái cơ cấu lại đội ngũ, chuyển sang quản lý tập trung cắt giảm chi phí, tăng tính chuyên nghiệp, giữ chất lượng nhưng hạ được giá thành sản phẩm, điều chỉnh lại phân khúc căn hộ để hợp túi tiền khách hàng…

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, thị trường BĐS thành phố chưa có dấu hiệu khởi sắc, các DN BĐS vẫn còn khó khăn. TP Cần Thơ có tổng số 88 dự án, trong đó có 44 dự án khu dân cư, 44 khu tái định cư (đã thu hồi 19 dự án, hiện còn lại 69 dự án). Sản phẩm tồn kho khá nhiều. Cụ thể: nhà ở các loại khoảng 1.048 căn, giá trị ước tính trên 637 tỉ đồng; đất nền các loại khoảng 8.685 nền với diện tích khoảng 1.584.348m2, giá trị ước tính trên 8.325 tỉ đồng. Tổng giá trị tồn kho khoảng 8.962 tỉ đồng. Cho thấy tình hình kinh doanh nhà đất rất trầm lắng. Theo phân tích của các DN BĐS, trong giai đoạn khó khăn của thị trường hiện nay, các DN BĐS đặc biệt chú trọng đến tính thanh khoản của dự án, giá bán gần như bằng giá thành sản phẩm nhằm giảm hàng tồn kho nhưng khách hàng vẫn e dè…

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS trầm lắng là kinh tế chưa phục hồi, đời sống người dân còn khó khăn, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, khiến người dân có nhu cầu nhà ở thực sự cũng khó tiếp cận được vốn… Tuy nhiên, theo một chủ DN kinh doanh BĐS tại Cần Thơ, so với TP Hồ Chí Minh giá nhà đất của Cần Thơ thấp hơn rất nhiều. Dẫu vậy, vẫn ít người mua dẫn đến tình trạng hàng tồn kho nhiều, còn nếu bán đúng theo giá mong muốn của người mua nhà thì các DN BĐS sẽ phá sản. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách phù hợp từng vùng, miền để BĐS đảm bảo mức giá vừa đủ cho chủ đầu tư có lãi mà người mua nhà có thể chấp nhận được với thu nhập hàng tháng. Chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội với lãi suất 6%/năm như đã triển khai sẽ tác động tích cực đối với thị trường BĐS.

Ông Ngô Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng thương mại địa ốc Hồng Loan, cho biết: "Từ đầu năm 2013 đến nay, Hồng Loan chỉ có khoảng trên 70 giao dịch thành công và chủ yếu bán cho người dân thật sự có nhu cầu về chỗ ở. Năm 2013, Chính phủ đã có một số giải pháp "hâm nóng" thị trường BĐS thông qua hàng loạt chính sách hỗ trợ, điều này đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là đối với người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, khả năng vực dậy thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn…". Theo ông Ngô Văn Lâm, dự án nhà cho người thu nhập thấp do Hồng Loan đầu tư tiến độ thi công thuận lợi, đến nay đã cơ bản hoàn thành 1 block, 2 block còn lại đang đổ sàn, thi công móng và cột…phấn đấu hoàn thành đầu năm 2014 để người có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà, sớm có chỗ ở ổn định.

Thực tế cho thấy, thị trường BĐS TP Cần Thơ ngoài sự mất cân đối về cung - cầu, thì nguyên nhân chủ yếu làm cho thị trường chưa thể "tan băng" là do hệ thống chính sách còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thị trường. Để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, một trong những giải pháp là phải thiết lập quan hệ cung - cầu mới, cung cấp thêm dòng sản phẩm giá thấp cho thị trường. Hiện nay, các chủ đầu tư đã tìm mọi cách để hạ giá thành, nhưng giá BĐS vẫn quá cao so với mức thu nhập của số đông. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước đã đưa ra giải pháp cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội; đồng thời cho phép một số dự án được chia nhỏ căn hộ cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, sẽ tạo ra bước ngoặt mới làm tăng tính thanh khoản cho thị trường…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dược, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ, lĩnh vực BĐS từ nay đến cuối năm vẫn còn khó khăn chưa có sự bứt phá, trong năm 2013, mặc dù Chính phủ có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt hàng tồn kho BĐS. Nhưng các cơ chế, chính sách luôn có độ trễ nhất định. Mặt khác, các điều kiện để thực hiện cơ chế tại địa phương không được như mong muốn do hiện tại còn những điều kiện khó khăn.

Để thị trường BĐS phát triển cần có sự chuyển động mạnh hơn các ngành chức năng trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách Chính phủ ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt Nghị quyết số 02/NQ-CP liên quan BĐS. Yếu tố quan trọng là sự ổn định và phát triển đi lên nền kinh tế. Vì vậy, có thể nói năm 2013 chỉ là tiền đề tháo gỡ khó khăn cho thị trường này để những năm tiếp theo thực hiện tốt hơn. Khi đó mới hy vọng thị trường BĐS sẽ có sự bứt phá, sôi động hơn.

THU HOÀI

Chia sẻ bài viết