17/12/2017 - 10:58

Tác giả trẻ Trương Chí Hùng:

Văn học trẻ đồng bằng năng động nhưng vẫn thiếu… 

Giải Nhất cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017 thuộc về tác giả trẻ Trương Chí Hùng (An Giang) với tác phẩm “Man mác Vàm Nao”. Những trăn trở và trải nghiệm với quê hương của một tác giả sinh năm 1985 được gửi gắm đằm sâu qua bút ký này. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với tác giả Trương Chí Hùng xoay quanh tác phẩm đoạt giải cũng như chuyện sáng tác của anh.

Tác giả Trương Chí Hùng. Ảnh: NVCC

* “Man mác Vàm Nao” được ra đời từ nỗi niềm nào, thưa anh?

- Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Phú Tân (An Giang), nơi con sông Vàm Nao bao năm bồi lở. Thế nhưng, khi trưởng thành tôi lại đi học, đi làm và định cư tại thành phố Long Xuyên. Hồi ức về những năm tháng tuổi thơ bên con sông quê luôn canh cánh trong tâm thức tôi.

Thế nên, tôi chọn viết về sông Vàm Nao như sự trải lòng. Tôi viết về những người dân làm nghề hạ bạc trên con sông này, giờ sống bấp bênh vì cá bông lau nổi tiếng một thời nay đã thưa vắng. Viết về bao cảnh ngộ người dân vùng Vàm Nao bị “bứng” khỏi quê hương, trôi dạt xứ người. Viết về niềm tin vực dậy một Vàm Nao nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ. Tất cả những nỗi niềm “man mác” ấy đã đọng trong tôi từ rất lâu, khi viết cứ tự nhiên tuôn ra trên trang văn.

* Bút ký văn học đòi hỏi tác giả có nhiều vốn sống, tư duy và kiến thức tổng hợp. Một tác giả 8X như anh đã làm gì để đáp ứng những yêu cầu ấy?

- Thật ra, tôi cũng chỉ mới tiếp cận và tập tành viết thể loại này cách đây không lâu. Tôi nhận ra cái khó của thể loại bút ký văn học khi bắt tay vào viết. Bởi, bên cạnh những đòi hỏi tất yếu như vốn sống, tư duy đa chiều, kiến thức tổng hợp bạn đã nêu, thể loại này còn đòi hỏi cảm xúc, mà phải là cảm xúc thăng hoa.

Bản thân tôi cố gắng đi nhiều, tiếp xúc nhiều, thâm nhập cuộc sống một cách sâu rộng để làm đầy dần những khiếm khuyết về vốn sống của một người viết trẻ. Những gì chưa tường tận, tôi nghiên cứu thêm tư liệu, hỏi ý kiến các vị cao niên, các nhà nghiên cứu. Khi mọi tư liệu có vẻ đầy đủ, tôi bắt tay vào viết. Tôi luôn cố gắng viết bằng cảm xúc thật chứ không gò ép. Nói cách khác, những kiến thức có được chỉ là nền tảng để cảm xúc tôi thăng hoa mà thôi.

* Sau lần đoạt giải thơ và truyện ngắn ĐBSCL, nay là giải bút ký đồng bằng, vậy đâu là thể loại chủ lực của anh?

- Công việc chính của tôi là đi dạy học, nhưng tôi cũng rất đam mê đọc và viết. Có điều, trước giờ tôi không định hình được thể loại sáng tác sở trường của mình. Tôi nghĩ mỗi thể loại có thế mạnh riêng trong việc chuyển tải cảm xúc hay thông điệp nào đó. Đề tài nào phù hợp với thể loại truyện ngắn thì tôi viết truyện ngắn. Đề tài nào thích hợp với thơ thì tôi làm thơ. Nói chung, thể loại nào chuyển tải được chân thật nhất cảm xúc thì tôi viết thôi.

Tôi nghĩ người trẻ cũng nên thử nghiệm nhiều góc độ, đến một lúc nào đó ta sẽ định hình được sở trường của mình. Tôi chưa định hình được có lẽ do tôi vẫn còn là một cây- bút- trẻ chăng (cười).

* Anh nhận định như thế nào về tình hình văn học trẻ đồng bằng hiện nay? Theo anh, tác giả hiện nay cần trang bị những gì để hội nhập và khẳng định ngòi bút của mình?

- Theo dõi đời sống văn học trẻ đồng bằng thời gian qua, tôi rất vui mừng vì nhận thấy một lực lượng viết trẻ đông đảo, đầy tiềm năng. Những cái tên như Nguyễn Đức Phú Thọ, Lê Quang Trạng, Phan Duy, Vĩnh Thông, Nguyễn Hữu Trung, Hoàng Trọng Khang... xuất hiện thường xuyên trên các trang báo văn nghệ từ trung ương đến địa phương. Những diễn đàn văn chương, các hoạt động thực tế sáng tác, tọa đàm văn học được diễn ra thường xuyên mà nòng cốt thường hướng đến các cây bút trẻ. Nhiều bạn viết trẻ đã xuất bản hai, ba đầu sách khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là sự năng động tuyệt vời của văn chương trẻ đồng bằng.

Tuy vậy, tôi vẫn hơi tiếc vì người viết trẻ ở ta còn thiếu những hiện tượng có tính bứt phá mạnh mẽ, thiếu một số thể loại dài hơi như tiểu thuyết, trường ca hay lý luận phê bình. Tôi là một người viết nghiệp dư nên không dám đề xuất gì, chỉ hy vọng trong tương lai, bằng tất cả những tiềm lực, những đam mê, người viết trẻ đồng bằng sẽ mạnh dạn dấn thân, mạnh dạn bứt phá để có thể khẳng định bản thân và đưa nền văn học đồng bằng cất cánh.

* Xin cảm ơn anh!

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết