14/10/2020 - 05:54

Vận động nhân dân phát triển các mô hình sản xuất 

Ông Hồ Ngọc Sanh, thành viên Tổ hợp tác (THT) trồng ổi ruột hồng, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, nói: "Tham gia THT, tôi được hỗ trợ vay 50 triệu đồng đầu tư phân, thuốc, được chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ổi. Hiện nay, trung bình 3 công ổi mang về cho gia đình hơn 10 triệu đồng/tháng".

Mô hình trồng ổi giúp nhiều hộ gia đình ở xã Thới Tân có thu nhập khá, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Trong ảnh: Người dân làm sạch, phân loại ổi, chuẩn bị giao cho thương lái.

Mô hình trồng ổi giúp nhiều hộ gia đình ở xã Thới Tân có thu nhập khá, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Trong ảnh: Người dân làm sạch, phân loại ổi, chuẩn bị giao cho thương lái.

THT trồng ổi ruột hồng, một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, được xây dựng theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững do cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể xã Thới Tân vận động nhân dân thực hiện. THT trồng ổi ruột hồng, do Hội Nông dân (HND) xã xây dựng năm 2018, với 12 thành viên, diện tích canh tác trên 6,5ha.

Theo ông Phan Hùng Dũng, Chủ tịch HND xã, tham gia mô hình, các thành viên được hỗ trợ vay 20-50 triệu đồng. THT sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần để chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc ổi. Hiện nay, trung bình mỗi héc-ta trồng ổi ruột hồng, bà con thu nhập khoảng 400-450 triệu đồng/năm. Chú Nguyễn Văn Bé, Tổ trưởng THT trồng ổi, cho biết: "Tôi có 8 công đất. Trước kia, làm ruộng, hiệu quả kinh tế không cao. Ba năm nay, tôi chuyển 2 công đất sang trồng ổi ruột hồng, hiệu quả cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa, cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm. Thấy mô hình hiệu quả, tôi chuyển thêm 3 công đất sang trồng ổi". Hiện nay, toàn bộ ổi của THT đều được bao tiêu với mức giá dao động từ 4.500-5.000 đồng/kg. Mô hình đã thu hút thêm 14 thành viên tham gia, nâng tổng số thành viên lên 26 thành viên, với tổng diện tích 13,5ha.

Thời gian qua, Khối Dân vận xã Thới Tân chỉ đạo các đoàn thể xây dựng nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao. Theo bà Đỗ Thị Diễm Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã, ngoài mô hình Phụ nữ khởi sự khởi nghiệp kinh doanh được triển khai từ năm 2018, Hội duy trì mô hình vận động hội viên phụ nữ trồng màu dưới chân ruộng với 10 thành viên. Mỗi công màu thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Chị Phạm Thị Linh Phượng, hội viên phụ nữ, nói: "Gia đình tôi có 6 công đất trồng lúa. 4 năm nay, tôi chuyển sang trồng màu chuyên canh và được Hội Phụ nữ hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Trung bình mỗi năm trồng 3-4 vụ màu gồm các loại: cà chua, bí đao… Mỗi vụ màu sau khi trừ chi phí lãi khoảng 10 triệu đồng/công/vụ". Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Lành (ấp Thới Phước A) có 4 công đất, trước kia canh tác lúa hiệu quả kinh tế không cao. 3 năm  nay, anh được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, đầu tư trồng nhãn Ido. Anh Lành cho biết: "Vụ trái chiếng năm ngoái tôi bán được 2 tấn nhãn, thu về 40 triệu đồng. Năm nay, dự kiến vườn nhãn sẽ cho năng suất gấp đôi".

Theo ông Trần Thanh Nhàn, Trưởng Khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Thới Tân, bên cạnh việc vận động nhân dân tham gia các mô hình làm ăn hiệu quả, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã chú trọng tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời, mở các lớp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, hội viên. Các đoàn thể xã cũng đang quản lý 23 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, hỗ trợ cho hơn 1.000 hộ vay hơn 27 tỉ đồng. Nhờ đó, các hộ có điều kiện đầu tư sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Với các giải pháp hỗ trợ thiết thực, năm 2019, toàn xã có 24 hộ thoát nghèo. "Hiện nay, xã còn 37 hộ nghèo. Qua rà soát, cuối năm sẽ có thêm 12-16 hộ thoát nghèo. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững", ông Trần Thanh Nhàn khẳng định.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thới Lai, đánh giá: "Xã Thới Tân đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Khối Dân vận xã cũng đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ chỉ đạo các đoàn thể tổ chức cho đoàn viên, hội viên tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất. Qua đó, bà con lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình để thực hiện, vươn lên thoát nghèo, làm ăn khấm khá".

Bài, ảnh: ĐỒNG TÂM

Chia sẻ bài viết