26/02/2009 - 09:02

Vấn đề hạt nhân Iran lại "nóng" lên

Bên ngoài nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran.
Ảnh: AFP

Ngày 25-2, Iran bắt đầu chạy thử nhà máy điện hạt nhân Bushehr do Nga xây dựng, nhân chuyến thăm của ông Sergei Kiriyenko, giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử liên bang Nga. Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran, nhà máy trị giá 1 tỉ USD này dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm nay.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr được khởi động từ năm 1974 sau thỏa thuận giữa Tehran với tập đoàn Siemens của Đức. Tuy nhiên, sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran lật đổ chính quyền thân phương Tây của ông Mohammad Reza Pahlavi, Siemens rút lui khi lò phản ứng Bushehr I hoàn thành 85% và đang xây lò thứ hai. Đến năm 1992, Iran hợp tác với Nga, cụ thể là công ty Atomstroiexport, để hoàn thành dự án. Ban đầu nhà máy Bushehr dự kiến hoàn tất vào năm 1999, nhưng phải trì hoãn nhiều lần do tranh cãi về việc thanh toán và vấn đề kỹ thuật, cũng như sức ép phản đối từ phương Tây. Đây là lò phản ứng nước nhẹ có công suất 1.000 megawatt.

Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích dân sự nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hoài nghi Tehran đang bí mật chế tạo bom hạt nhân và gây sức ép buộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) áp đặt nhiều lệnh trừng phạt. Ngày 2-3 tới, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dự kiến sẽ họp để xem xét báo cáo mới đây của Tổng giám đốc Mohamed Elbaradei về việc vừa phát hiện thêm 209 kg uranium làm giàu cấp thấp ở Iran, so với mức ước tính 1.010 kg trước đó. Phát hiện trên cho thấy Iran “dư khả năng” sỡ hữu 1 tấn nhiên liệu để có thể tách ra chế tạo một quả bom nguyên tử.

Mặc dù có thể mất vài tháng hoặc thậm chí vài năm để chuyển uranium làm giàu thành nguyên liệu chế tạo vũ khí, nhưng những diễn biến mới càng làm tăng thêm lo ngại về tham vọng hạt nhân của Tehran. Theo hãng tin Mỹ AP, Iran có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân 360 MW ở Darkhovin, sử dụng nhiên liệu uranium làm giàu trong nước. Cần nói thêm là một trong những lý do Nga không chấp nhận hủy bỏ dự án Bushehr vì Iran cam kết không sử dụng uranium do Nga cung cấp cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài năng lượng dân sự và tất cả nhiên liệu sử dụng rồi sẽ được chuyển về Nga để tái chế. Do đó, Nga cho rằng không có bằng chứng về chương trình vũ khí hạt nhân của Iran và nước này có quyền tương tự các nước khác trong việc phát triển năng lượng hạt nhân dân sự.

Phương Tây còn lo ngại IAEA không kham nổi việc giám sát chương trình phát triển hạt nhân của Iran do nước này cấm tiếp cận các cơ sở sản xuất máy li tâm, động thái mà các thanh sát viên vũ khí cho rằng Tehran có thể xây dựng một nhà máy li tâm bí mật khác ngoài nhà máy hạt nhân Natanz. Iran cũng cấm các thanh sát viên đến lò phản ứng nước nặng ở Arak, vốn bị nghi là được dùng cho chương trình vũ khí hạt nhân.

N.MINH (Theo AFP, CNN, FT)

Bên ngoài nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết