24/04/2012 - 21:44

Vai trò khó khăn

Tổng thống nước Cộng hòa Nam Sudan Salva Kiir hôm qua đã tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc 6 ngày lần đầu tiên nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ của bạn hàng dầu mỏ số một này trong cuộc chiến tranh biên giới đang leo thang căng thẳng với Sudan.

Trước khi ông Kiir lên đường đi Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố nước này hy vọng có thể giữ một vai trò xây dựng trong việc giải quyết cuộc xung đột vũ trang đẫm máu giữa Sudan và Nam Sudan. Ông kêu gọi hai bên cần bình tĩnh, kiềm chế, tôn trọng chủ quyền của nhau và sớm nối lại đàm phán hòa bình, phân định ranh giới. “Dầu mỏ là nhựa sống chung của Sudan và Nam Sudan nên hai nước cần đàm phán”- ông Lưu Vi Dân nhấn mạnh.

Trước đây, khi Nam Sudan chưa tách khỏi Sudan thành lập quốc gia riêng từ tháng 7-2011, Trung Quốc là một đồng minh chủ chốt, đối tác kinh tế lớn nhất của Sudan, dù Sudan bị cộng đồng quốc tế cô lập về ngoại giao. Sau khi hai miền Sudan tan rã và bắt đầu xảy ra chiến sự biên giới, Trung Quốc vẫn cam kết duy trì quan hệ lâu dài với Sudan, trong đó có việc đảm bảo cung cấp vũ khí, nhưng đồng thời cũng không xa lánh Nam Sudan, nơi chiếm phần lớn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Sudan trước khi chia cắt.

Vấn đề nan giải là Nam Sudan phải phụ thuộc vào đường ống dẫn dầu đi qua Sudan nên hai bên luôn bất đồng về lệ phí trung chuyển và dẫn đến mâu thuẫn gay gắt về lượng dầu xuất khẩu, phân chia tài sản, lãnh thổ. Đây là nguyên nhân khiến lượng dầu xuất khẩu của Nam Sudan sang Trung Quốc từ tháng 1-2012 đã sụt giảm gần 40%. Vì vậy, hãng tin Mỹ AP cho rằng chính quyền Nam Sudan ngoài việc yêu cầu Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình kêu gọi chính quyền Sudan chấm dứt chiến dịch quân sự chống Nam Sudan, còn mong Trung Quốc giúp xây dựng một đường ống dẫn dầu mới không đi qua Sudan.

Thế nhưng, trong bối cảnh mà Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, người cũng đã từng sang thăm Trung Quốc hồi năm ngoái bất chấp lệnh truy nã của tòa án hình sự quốc tế, vừa tuyên bố phát động cuộc chiến tranh toàn diện lật đổ chế độ ở Nam Sudan thì Bắc Kinh cần thể hiện một lập trường ngoại giao hết sức tinh tế. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc tuy thừa nhận tầm ảnh hưởng của mình đối với hai miền Sudan nhưng rất ngại nhận đóng vai trò trung gian chính, đặc biệt là trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng” hiện nay. Cho nên làm thế nào để không phật lòng cả Sudan lẫn Nam Sudan, hai đối tác quan trọng đối với quốc gia khát dầu như Trung Quốc, quả là khó khăn cho Bắc Kinh.

KIẾN HÒA (Theo AFP, AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết