04/01/2025 - 13:57

Vai trò của lãnh đạo nữ trong ASEAN 

Suốt lịch sử Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mọi Tổng thư ký của khối đều là nam giới. Trong bài bình luận mới đây, ba nhà phân tích gồm Giáo sư Dewi Fortuna Anwar - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Habibie (Indonesia), bà Sharon Seah - thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) và ông Apichai Sunchindah - cựu giám đốc điều hành Quỹ ASEAN cùng đưa ra ý tưởng rằng đã đến lúc ASEAN ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới ở cấp lãnh đạo cao nhất.

Đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ 3, tổ chức hồi tháng 8-2024 tại Lào. Ảnh: ASEAN.org

Cụ thể, cả 3 nhà phân tích cho rằng việc bổ nhiệm Tổng thư ký nữ đầu tiên sẽ là một khởi đầu tốt  đẹp. Và việc thực hiện điều này trùng với lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ASEAN (năm 2027) thực sự là điều đáng hoan nghênh. Vì xét cho cùng, phụ nữ chiếm một nửa dân số ASEAN nên họ xứng đáng được hưởng sự đại diện công bằng ở cấp cao nhất trong các quá trình ra quyết định và chính sách của khối. Điều này phù hợp với những gì các tổ chức khu vực khác đã làm, cũng như sẽ truyền tải một thông điệp rất mạnh mẽ rằng cuối cùng phụ nữ không còn bị bỏ lại phía sau trong việc nắm giữ các vị trí cấp cao nhất trong Ban thư ký ASEAN. Hiện tại, ông Kao Kim Hourn đến từ Campuchia là Tổng thư ký ASEAN thứ 15 và nhiệm kỳ 5 năm của ông sẽ kết thúc sau 3 năm nữa. Sau đó, sẽ đến lượt Indonesia đề cử ứng viên tiếp theo cho vị trí cao nhất khối này.

Hiện vẫn còn sớm để dự đoán Indonesia có phá vỡ xu hướng lãnh đạo ASEAN là nam giới hay không. Nhưng theo các tiêu chí lựa chọn, thì với tư cách là viên chức hành chính đứng đầu ASEAN, điều trước tiên và quan trọng nhất là Tổng thư ký của khối phải chứng minh được các kỹ năng quản lý tuyệt vời. Hơn nữa, người đó phải thông thạo tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN. Cuối cùng, Tổng thư ký phải có khả năng đại diện và phát biểu thay mặt cho 700 triệu người dân đang sinh sống trong khu vực trên tất cả các phân khúc chính của xã hội, dù là chính phủ, doanh nghiệp, học viện, xã hội dân sự hay cộng đồng địa phương, cũng như về ASEAN, về những gì ASEAN đại diện và có khả năng đạt được vì lợi ích của người dân.

Còn theo Hiến chương ASEAN, việc lựa chọn và bổ nhiệm Tổng thư ký phải cân nhắc đúng mức đến tính chính trực, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, cũng như bình đẳng giới. Mặc dù các ứng viên trước đây đều đáp ứng được một số tiêu chí đầu tiên cho vị trí này, nhưng tiêu chí cuối cùng về vấn đề bình đẳng giới trong quyền lãnh đạo khối vẫn còn khó nắm bắt.

Trong khi đó, vì ý tưởng về Tổng thư ký nữ là một chủ đề mới trong bối cảnh lịch sử của ASEAN, nên các nhà phân tích cho rằng việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy nhận thức công chúng trong tất cả các nước thành viên ASEAN sẽ có lợi cho khả năng này. Còn về ý tưởng, thì một Tổng thư ký nữ được cho là có thể khuyến khích nhiều phụ nữ lãnh đạo hơn ở cấp điều hành của các tổ chức và cơ quan ASEAN, phù hợp với các mục tiêu quy định trong Khung chiến lược ASEAN về lồng ghép giới.

Trong những năm gần đây, ASEAN đã đạt được những bước tiến đáng chú ý về bình đẳng giới, mà chủ yếu thông qua sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Ủy ban Phụ nữ ASEAN, cũng như Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em với sự hỗ trợ của các đối tác tài trợ ASEAN.

Tại ASEAN, đại diện của phụ nữ trong quốc hội đã tăng từ 12% vào năm 2000 lên 23% vào năm 2023, nhưng mức trung bình của khu vực vẫn còn thấp hơn so với toàn cầu. Trên thế giới, phụ nữ hiện nắm giữ 26,9% số ghế trong quốc hội.

NGUYỆT CÁT (Theo Asia News Network)

Chia sẻ bài viết