Dù đã bước sang tuổi 88, thầy giáo Nguyễn Tấn Thành (sinh năm 1937, ngụ ở phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vẫn miệt mài dạy thêm ngoại ngữ cho nhiều học sinh, sinh viên; đồng thời học lên cao học tại Trường Ðại học Cần Thơ. Hành trình chinh phục tri thức của thầy giáo U90 chưa bao giờ ngừng nghỉ.
Thầy Nguyễn Tấn Thành nhận học bổng của Trường Đại học Cần Thơ do PGS.TS Trần Trung Tính, Hiệu trưởng nhà trường, trao tặng.
Học, học nữa, học mãi…
Ðó là phương châm mà thầy Nguyễn Tấn Thành đeo đuổi trong suốt cuộc đời. Bởi với thầy, tri thức không chỉ mang lại cho con người sự hiểu biết mà còn giúp tu thân, lập nghiệp, trở thành người có ích cho xã hội.
Ðam mê học tập cộng với tài năng thiên phú về nghệ thuật văn chương nên từ khi 7-8 tuổi, thầy Thành đã biết làm thơ Ðường, 13 tuổi có truyện ngắn đăng tạp chí, đến 15 tuổi có khá nhiều bài đăng trên báo chí. Tốt nghiệp Tú Tài, thầy trở thành giáo viên dạy môn Văn và lần lượt công tác ở một số trường trung học ở Hậu Giang, Cần Thơ… Thầy học lên đại học và tốt nghiệp khóa đầu tiên ngành Văn học của Trường Ðại học Cần Thơ năm 1972. Sau đó, thầy học tiếp cao học. Tuy nhiên, khi tiểu luận tốt nghiệp gần hoàn thiện thì thầy hướng dẫn đột ngột qua đời, cùng một số lý do khác nên thầy không thể học xong chương trình. Gác lại hành trình học tập dang dở, thầy Thành tập trung vào công tác tại Trường Phan Thanh Giản, sau là Trường THPT Châu Văn Liêm. Thầy còn là Tổng thư ký của Hội Văn nghệ Giải phóng của TP Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ (cũ).
Bên cạnh học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, thầy Thành còn học thêm về hội họa, âm nhạc, ngoại ngữ. Học đi đôi với hành nên thầy đã có nhiều sáng tác thơ văn, mỹ thuật, âm nhạc, cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí. Ðến nay, thầy có 4 tập thơ, 3 tập truyện, 15 tập dịch thơ và dịch truyện, 1 tập nhạc, 1 tập phê bình văn học, hơn 10 tác phẩm hội họa dự triển lãm và rất nhiều bài báo... Trong đó, có nhiều tác phẩm đoạt giải cao ở các hội thi, cuộc thi. Riêng với ngoại ngữ, thầy Thành thông thạo 9 thứ tiếng: Anh, Pháp, Ðức, Ý, Hàn, Nhật, Hoa, Nga, Tây Ban Nha. Mỗi ngoại ngữ đều có chứng nhận tiêu chuẩn. Thầy mở Trung tâm Ngoại ngữ và Dịch thuật Ðăng Khoa, nhận dịch thuật và giảng dạy ngoại ngữ cho những người có nhu cầu. Hiện nay, trung tâm tọa lạc tại số 3, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều.
Nhiều lần thầy Thành muốn học cao học, thực hiện ước mơ còn dang dở nhưng do hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, thời gian... chưa cho phép, đành gác lại. Vợ mất sớm, một mình thầy phải nuôi 4 người con ăn học. Giờ đây, khi các con đã có cuộc sống riêng ổn định, công việc của thầy cũng không còn bận rộn như xưa, thầy có thời gian để tiếp nối hành trình học tập bị gián đoạn nhiều năm qua. Tháng 5-2024, thầy Thành tham gia thi tuyển cao học ngành Văn học Việt Nam tại Trường Ðại học Cần Thơ và trúng tuyển.
Ngày khai giảng, thầy Thành vinh dự thay mặt cho hơn 550 học viên phát biểu về con đường chinh phục tri thức. Lời tâm sự, chia sẻ của thầy khiến mọi người có mặt ngưỡng mộ và góp phần truyền cảm hứng tích cực cho các học viên trong năm học mới. Thầy Thành được Trường Ðại học Cần Thơ tặng học bổng “Người cao tuổi có tinh thần học tập suốt đời”. Hội Khuyến học TP Cần Thơ cũng trân trọng tặng giấy khen, học bổng.
Sau vài tháng học tập, thầy Thành rất vui khi chia sẻ: “Giảng viên và học viên trong lớp rất thân thiện, quý mến tôi. Không khí học tập rất vui vẻ, tích cực. Có nhiều bạn còn nhiệt tình đưa đón tôi đi học. Ðặc biệt, mọi người làm tôi vô cùng xúc động khi tổ chức mừng sinh nhật cho tôi ngay tại lớp học. Tôi rất trân quý tình cảm mọi người dành cho tôi. Với tôi, mỗi ngày đến trường là một niềm vui!”.
Gia đình tuy khuyết nhưng tròn
Vợ thầy Thành mất năm 27 tuổi do bệnh nan y, để lại 4 người con, nhỏ nhất lúc đó mới được một tháng rưỡi, lớn nhất 7 tuổi. Thương tiếc người vợ hiền và xót xa cho các con nên thầy quyết không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Nhưng một mình không thể chăm sóc các con tròn vẹn, thầy Thành giữ lại người con lớn nhất bên mình, còn 3 con nhỏ thầy nhờ anh, chị, em của mình chăm sóc, nuôi dưỡng. Khi các con đến tuổi vào lớp 1, thầy lần lượt đón về nhà kèm cặp, dạy dỗ. Sớm mồ côi mẹ và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các con của thầy đều chăm ngoan, ngoài thời gian học, các chị em bảo ban nhau làm việc nhà, giúp cha đỡ vất vả.
Ngày ấy, để nuôi các con ăn học, ngoài đồng lương giáo viên, thầy Thành còn chạy xe ôm, sáng tác văn thơ để kiếm thêm thu nhập. Thầy nhớ lại: “Hồi đó, 2 giờ sáng là tôi đã thức dậy chạy xe ôm, chở các mối quen đi chợ sớm hay đi giao hàng, đến 5 giờ sáng thì về nhà lo cơm nước cho các con đi học, còn tôi thì 6 giờ 30 đến trường dạy học. Cuộc sống giúp tôi hình thành thói quen dậy sớm. Hiện nay, cứ 3 giờ sáng tôi thức dậy, nấu nước pha trà, tập thể dục, đi chợ… Ðến 7 giờ thì đi làm ở trung tâm dịch thuật hoặc đi học”.
Thầy Thành không tái hôn dù khi các con đã trưởng thành và có nghề nghiệp, công việc ổn định. Nói về người vợ đã khuất, thầy Thành luôn dành tình cảm sâu nặng, những lời trân trọng, yêu thương. Với thầy, cô là người vợ hiền, dâu thảo đúng nghĩa, bởi cô luôn chăm lo cho chồng con, gia đình bên chồng chu đáo. Cô nấu ăn rất ngon và luôn nói năng dịu dàng, cô đóng kịch và hát cũng rất hay. “Hồi đó, tôi và vợ đều là giáo viên ở Long Mỹ, gặp nhau trong một chương trình giao lưu văn nghệ và yêu mến nhau. Chúng tôi tìm hiểu khoảng 3 năm thì cưới. Tiếc là duyên vợ chồng quá ngắn ngủi. Ðến bây giờ, trong lòng tôi, không ai có thể thay thế vị trí của cô ấy được!”, thầy Thành bùi ngùi chia sẻ.
Có thể nói, tuy gia đình của thầy Thành không may thiếu vắng người vợ, người mẹ, nhưng lại tròn đầy tình cảm của người chồng dành cho vợ và tình thương của người cha dành cho các con. 4 người con của thầy đều tốt nghiệp đại học và có 3 người theo nghề giáo viên của cha mẹ. Ai cũng có cuộc sống gia đình riêng và sự nghiệp ổn định. Ðó là niềm hạnh phúc lớn lao của thầy Thành sau hơn 50 năm “gà trống nuôi con”.
Giờ đây, niềm vui của thầy lại càng tròn đầy, viên mãn hơn khi thầy đang viết tiếp ước mơ cao học của mình. Theo thầy, nếu sau khi học xong cao học, vẫn còn sức khỏe, thầy sẽ tiếp tục làm nghiên cứu sinh, bởi sự học không có điểm dừng, tri thức không bao giờ là đủ!
Bài, ảnh: CÁT ÐẰNG