31/12/2024 - 06:50

Gạo có chỉ số đường thấp - giải pháp mới cho cuộc khủng hoảng tiểu đường tại châu Á 

Trong nghiên cứu mới công bố gần đây trên Tạp chí Trends in Plant Science, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Viện Max Planck (Đức) cho biết gạo có chỉ số đường huyết (GI) thấp có tiềm năng trở thành giải pháp giúp giải quyết cuộc khủng hoảng về dịch bệnh tiểu đường tại châu Á, nơi có mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người cao nhất.

Gạo có GI thấp có thể giúp ích trong việc kiểm soát mức đường huyết.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 đã trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu cấp bách, ảnh hưởng đến hơn 537 triệu người vào năm 2021 và dự kiến vượt quá 780 triệu người vào năm 2045. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đang tăng ở mức báo động, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại châu Á, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đặc biệt rõ rệt do người dân tiêu thụ nhiều thức uống chứa đường giàu calo, thực phẩm siêu chế biến và tinh bột - đường tinh chế, bao gồm cả gạo trắng được đánh bóng.

GI là thước đo tốc độ thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu sau ăn. Thực phẩm có GI cao được chúng ta tiêu hóa nhanh chóng, dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến - một tình trạng góp phần gây ra bệnh tiểu đường. Còn gạo có GI thấp được tiêu hóa chậm hơn, dẫn đến giải phóng glucose dần dần vào máu. Điều này làm giảm tình trạng lượng đường trong máu tăng đột biến và hỗ trợ kiểm soát đường huyết tốt hơn, một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nhiều gạo trắng có GI cao với tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần phải kết hợp đặc điểm GI thấp vào các giống gạo trắng để phát triển gạo GI thấp như một giải pháp ăn uống lành mạnh hơn cho sức khỏe. Theo các chuyên gia, gạo trắng thông thường có GI cao từ 70-94, trong khi các loại gạo có GI thấp ở mức dưới 55. 

Đáng mừng là gần đây, các nhà nghiên cứu đã lai tạo thành công các giống lúa có GI thấp, nhưng chứa hàm lượng prôtêin cao. Nỗ lực này nhờ vào việc tăng cường hàm lượng tinh bột kháng và amylose trong lúa, từ đó làm chậm giải phóng glucose trong quá trình tiêu hóa. Những tiến bộ trong công nghệ lai tạo hỗ trợ đánh dấu và chỉnh sửa bộ gien cũng cho phép phát triển các giống lúa có GI thấp hơn, mà không ảnh hưởng đến năng suất cây lúa hoặc các thuộc tính giác quan khi tiêu thụ gạo GI thấp.

Hiện nay, một số quốc gia - bao gồm Bangladesh và Philippines - đã bắt đầu trồng các giống lúa như BR-16 và IRRI-147 (ban đầu được lai tạo để chống chịu với khí hậu và sau đó được phát hiện có đặc tính GI thấp). Hơn nữa, các sáng kiến ​​quốc tế như Seeds Without Borders đã được triển khai nhằm mục đích đẩy nhanh việc phân phối các giống lúa này trên khắp châu Á và các quốc gia khác.

Các chuyên gia nhận định các giống lúa GI thấp có tiềm năng to lớn trong việc giảm bớt gánh nặng về kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Theo dự đoán, việc tiêu thụ 25% lúa GI thấp có thể giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở châu Á. Hơn nữa, khi châu Phi chuyển sang sử dụng lúa làm thực phẩm chính trong chế độ ăn, việc đưa các giống lúa GI thấp vào sản xuất sớm có thể ngăn chặn được một đợt bùng phát bệnh tiểu đường tương tự tại lục địa này.

Với ưu điểm chứa nguồn prôtêin giàu dinh dưỡng, gạo GI thấp còn có thể trở thành nền tảng trong việc giải quyết gánh nặng kép của tình trạng suy dinh dưỡng và các bệnh không lây nhiễm.

AN NHIÊN (Theo SciTechDaily)

Chia sẻ bài viết