Tại Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka 2024, sản phẩm “ExerAuti (Exercises to support autistic children)” hay còn gọi “Drone hỗ trợ trẻ tự kỷ” của nhóm sinh viên Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, đã đoạt giải Khuyến khích. Euréka 2024 do Thành Ðoàn TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức. Giải thưởng năm nay thu hút 1.903 đề tài của 152 trường đại học, cao đẳng, học viện cả nước tham gia.
Nhóm sinh viên và hai thầy hướng dẫn tại Euréka 2024.
“Drone hỗ trợ trẻ tự kỷ” của nhóm nghiên cứu gồm 5 sinh viên lớp Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (Khoa Kỹ thuật cơ khí, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) gồm: Lý Phi Nhạn, Lê Anh Khoa, Nguyễn Văn Mến, Lê Thị Bảo Trâm, Dương Thị Yến Xuân.
Sản phẩm được phát triển dựa trên ý tưởng từ nghiên cứu bài báo “To Prepare Students With Autism for the Working World, Drones Might Be a Good Start” (“Để chuẩn bị cho học sinh tự kỷ vào thế giới lao động, máy bay không người lái có thể là một khởi đầu tốt”). Bài báo đề cập đến chương trình do các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang North Carolina khởi xướng, nhằm hướng dẫn học sinh tự kỷ bay drone và qua đó khuyến khích họ đến STEM. Lê Anh Khoa cho biết: Xuất phát từ ý tưởng của bài báo, nhóm đã thực hiện dự án. Sản phẩm của nhóm được ứng dụng trên máy tính và điện thoại dùng hệ điều hành Android, cho phép người dùng điều khiển các lệnh bay của drone thông qua giọng nói, bao gồm từ đơn, cụm từ, hoặc câu hoàn chỉnh. Ứng dụng sử dụng xử lý hình ảnh để nhận diện phản hồi thời gian thực và điều khiển drone qua các bài tập thăng bằng, giữ thăng bằng trên một chân...
Theo Lý Phi Nhạn, sản phẩm được thiết kế nhằm hỗ trợ việc phát triển một hệ thống điều khiển, nhận dạng và phân tích chuyển động của trẻ tự kỷ, thông qua công nghệ xử lý hình ảnh và trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu chính là tạo ra một công cụ tiện lợi, chính xác và thân thiện, giúp phụ huynh và các chuyên gia có thể theo dõi, đánh giá và hỗ trợ trẻ trong việc cải thiện khả năng vận động, cân bằng và tương tác. Giao diện thân thiện và dễ sử dụng giúp việc theo dõi đơn giản, ngay cả với những người không chuyên. Sản phẩm cung cấp các chế độ hiển thị linh hoạt, cho phép phụ huynh và chuyên gia điều chỉnh chế độ xem phù hợp với nhu cầu và môi trường của trẻ. Nhờ vậy, các tương tác và phản hồi của trẻ có thể được ghi nhận một cách tự nhiên, giúp cải thiện kỹ năng xã hội và thể chất của trẻ.
Nghiên cứu lĩnh vực trẻ tự kỷ là đề tài khá mới. Để thực hiện sản phẩm hiệu quả, bên cạnh kiến thức chuyên ngành, mỗi thành viên của nhóm luôn tự học, tự tìm đọc thêm nhiều nguồn tư liệu. Phi Nhạn cho biết 5 thành viên, theo thế mạnh riêng mà người đảm trách nhiệm vụ khác nhau. Với vai trò trưởng nhóm, Phi Nhạn đảm nhiệm phần chung. Các thành viên còn lại chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống drone, tìm hiểu và phân tích các bài báo... “Điều tâm đắc nhất với chúng tôi ở sản phẩm là hỗ trợ, giúp trẻ em tự kỷ sớm cải thiện, hòa nhập cộng đồng”, Phi Nhạn bộc bạch.
Bên cạnh Euréka 2024, tại Cuộc thi Thiết kế, sáng tạo sản phẩm, công nghệ dành cho người khuyết tật năm 2024 do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức vào 21-12, sản phẩm của nhóm đạt giải Khuyến khích. Trước đó, sản phẩm “Drone hỗ trợ trẻ tự kỷ” đạt giải Nhất Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo CTUT Startup” lần II-2024 do Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tổ chức. Trải qua nhiều cuộc thi khoa học, giúp nhóm trưởng thành và có kinh nghiệm hơn trong nghiên cứu khoa học. Phi Nhạn bộc bạch: “Nhóm tiếp thu nhiều kiến thức mới, cải thiện năng lực nghiên cứu khoa học và có cơ hội giao lưu học hỏi từ sinh viên mọi miền đất nước”.
Sản phẩm “Drone hỗ trợ trẻ tự kỷ” có tính khả thi, ứng dụng thực tế cao. Hiện nay, sản phẩm dành riêng cho người Việt trong lĩnh vực hỗ trợ trẻ tự kỷ khá hiếm. Vì thế, việc ứng dụng sản phẩm giúp ích cho giáo viên và người chuyên làm việc chăm sóc trẻ tự kỷ có thể cải thiện việc tổ chức hoạt động và đảm bảo an toàn trong quá trình dạy và học.
Thầy Cao Sang, giảng viên Khoa Kỹ thuật cơ khí, 1 trong 2 giảng viên đồng hướng dẫn nhóm, cho biết giải thưởng là niềm tự hào và vinh dự đối với nhóm và trường. Khó khăn của sinh viên là chưa có kinh nghiệm, còn rụt rè và chưa bộc lộ hết khả năng, đòi hỏi người thầy hun đúc tinh thần nghiên cứu và có lời khuyên hữu ích với sinh viên. “Sản phẩm của nhóm rất có tiềm năng trong công tác xã hội, giúp trẻ tự kỷ nói, hoạt động bình thường. Với sinh viên, thông qua các cuộc thi, đã rèn thêm kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, kỹ năng mềm...”, thầy Cao Sang chia sẻ.