Chính quyền Mỹ mới đây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 4 thực thể có liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Pakistan theo Sắc lệnh Hành pháp 13382 nhằm vào những đối tượng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và phương tiện phân phối vũ khí này.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Shaheen III do Pakistan phát triển. Ảnh: SCMP
Ðây là vòng trừng phạt thứ tư liên quan đến Pakistan mà Mỹ áp đặt chỉ trong vòng 14 tháng qua. Tháng 10-2023, Mỹ cũng đã trừng phạt 3 thực thể của Trung Quốc vì bị cáo buộc cung cấp cho Pakistan các vật liệu có thể được sử dụng trong chương trình tên lửa của nước này. Tương tự như vậy, Washington hồi tháng 4 và tháng 9-2024 đã lần lượt trừng phạt 3 công ty Trung Quốc, một công ty Belarus; 4 công ty và một cá nhân Trung Quốc vì hợp tác với Pakistan trong chương trình tên lửa của nước này.
Theo quyết định mới từ phía Mỹ, Tổ hợp Phát triển Quốc gia Pakistan (NDC) đã nỗ lực mua các mặt hàng để thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa của Pakistan. Washington cho rằng NDC còn đảm trách việc phát triển tên lửa đạn đạo của Pakistan, gồm tên lửa đạn đạo dòng Shaheen, có thể bay xa 2.750km và sở hữu động cơ có đường kính 1,4m.
Phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tổ chức, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jon Finer cáo buộc rằng Pakistan phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công các mục tiêu ngoài khu vực Nam Á, gồm cả Mỹ. “Pakistan đang theo đuổi công nghệ tên lửa ngày càng tinh vi. Pakistan rồi sẽ sở hữu năng lực tấn công những mục tiêu nằm ngoài khu vực Nam Á, trong đó có Mỹ. Thẳng thắn mà nói, chúng ta buộc phải nhìn nhận các hành động thời gian qua của Pakistan là mối đe dọa mới nổi đối với Mỹ” - ông Finer nhấn mạnh.
Pakistan đã mạnh mẽ lên án lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Bộ Ngoại giao Pakistan trong một tuyên bố coi lệnh trừng phạt này là phân biệt đối xử và cho biết chúng gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh của khu vực. “Pakistan đã nói rõ rằng chương trình chiến lược của chúng tôi chỉ nhằm mục đích ngăn chặn các mối đe dọa hiện hữu rõ ràng và hữu hình từ khu vực lân cận của chúng tôi và không nên được coi là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào khác. Do đó, bất kỳ giả định phi lý nào về ý định thù địch từ Pakistan đều khó hiểu và phi logic” - Bộ Ngoại giao Pakistan nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia, động thái này có thể làm căng thẳng mối quan hệ giữa Washington và Islamabad, khiến gia bất ổn gia tăng ở khu vực Nam Á, đặc biệt là đẩy Pakistan đến gần Trung Quốc, quốc gia mà Pakistan có mối quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ.
Trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Ðể chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đã “hy sinh” quan hệ với Pakistan, đồng thời tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác và quốc phòng với Ấn Ðộ thông qua các thỏa thuận như Sáng kiến về công nghệ quan trọng và mới nổi. Theo đó, Washington và New Delhi sẽ tăng cường hợp tác về an ninh mạng, sản xuất chip, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, không gian và nhiều lĩnh vực khác.
Ðáng chú ý, Ấn Ðộ gần đây còn ký thỏa thuận mua 31 máy bay không người lái MQ-9B từ Mỹ. Hai nước cũng đã ký kết Thỏa thuận cung ứng an ninh nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng, trong đó đảm bảo cả hai bên đều có quyền ưu tiên mua sắm thiết bị an ninh khẩn cấp trong tình huống đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh quốc gia.
Islamabad lâu nay có lịch sử quan hệ tốt đẹp với Washington dù có lúc “thăng trầm”. Pakistan đã đóng vai trò quan trọng trong “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ và được Mỹ xem là đồng minh. Islamabad luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với cả Bắc Kinh và Washington, thậm chí giữ vai trò quan trọng trong việc Mỹ “phá băng quan hệ” với Trung Quốc vào năm 1972. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, mối quan hệ giữa Islamabad và Washington đã dần lạnh nhạt.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)