Bộ Thương mại Trung Quốc vừa bổ sung 28 thực thể Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu nhằm “bảo vệ quyền lợi và an ninh quốc gia”, đồng thời cấm xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng - sử dụng trong quân sự và dân sự - sang các doanh nghiệp này.
Chiến đấu cơ F-35 của Lockheed Martin, nơi vừa bị Trung Quốc đưa vào “Danh sách các thực thể không đáng tin cậy”. Ảnh: AFP
Theo thông báo của phía Trung Quốc, các hoạt động xuất khẩu đang tiến hành với các công ty trên sẽ phải dừng lại ngay lập tức. Trong trường hợp đặc biệt, nếu nhận thấy việc xuất khẩu là cần thiết, doanh nghiệp Trung Quốc phải nộp đơn xin phép Bộ Thương mại.
Ðáng chú ý, Trung Quốc hôm 2-1 còn trừng phạt 10 công ty quốc phòng Mỹ, gồm Lockheed Martin, General Dynamics, Raytheon, vì đã bán vũ khí cho Ðài Loan, đưa các công ty này vào “Danh sách các thực thể không đáng tin cậy” của Bắc Kinh. “Có vẻ như đây thực sự là một phát súng cảnh báo rằng sự leo thang trong các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, sẽ phải đối mặt với phản ứng quyết liệt hơn. Trung Quốc đang báo hiệu rằng họ sẽ không chịu thuế quan một cách thụ động” - Jesse Schreger, phó giáo sư kinh tế vĩ mô tại Khoa Kinh tế thuộc Trường Kinh doanh Columbia, nhận định. Theo ông Schreger, việc Trung Quốc cấm xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng cho các công ty Mỹ có thể gây ra nhiều hậu quả. Song, hiện vẫn chưa rõ Bắc Kinh dự định thực thi các biện pháp này như thế nào và sản phẩm nào được coi là lưỡng dụng.
Ngoài ra, Trung Quốc có kế hoạch thắt chặt hạn chế xuất khẩu đối với một số công nghệ được sử dụng để sản xuất các thành phần pin và chế biến 2 kim loại quan trọng, gồm gali và lithium, trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng trên toàn cầu. Theo Tân Hoa xã, đây là một phần trong nỗ lực nhằm “tăng cường quản lý hoạt động xuất nhập khẩu công nghệ” của Trung Quốc.
❝ Chính quyền Mỹ đang xem xét một quy định mới mà theo đó có thể hạn chế hoặc cấm máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc tại xứ cờ hoa vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Bộ Thương mại Mỹ trong một thông báo cho biết sự tham gia của các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, vào việc thiết kế, phát triển, sản xuất và cung cấp UAV có thể gây ra “rủi ro không đáng có hoặc không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia Mỹ”. |
Cách đây một tháng, Trung Quốc cũng đã công bố lệnh cấm xuất khẩu một số vật liệu có ứng dụng công nghệ cao và quân sự nhằm đáp trả việc Mỹ tăng cường hạn chế công nghệ đối với Bắc Kinh. Người phát ngôn của Chính phủ Trung Quốc lập luận rằng việc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản này phù hợp với nỗ lực chống phổ biến vũ khí của Bắc Kinh. Theo người này, các vật liệu này có “công dụng kép”, có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí, gồm antimon để sản xuất kính nhìn ban đêm; gali để phát triển vũ khí dẫn đường chính xác và hệ thống radar; germani để phát triển các cảm biến gắn trên xe tăng, tàu, trực thăng; than chì được sử dụng trong nòng súng; cũng như các vật liệu siêu cứng như vonfram. Hầu hết các vật liệu này cũng có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực dân sự. Chẳng hạn, than chì là vật liệu quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và xe điện. Năm ngoái, khoảng 50% than chì tự nhiên của thế giới đã được sử dụng cho xe điện. Ðược biết, Trung Quốc sản xuất tới 61% than chì tự nhiên và 98% than chì chế biến của thế giới.
Ðộng thái mới nhất nói trên của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị “trở lại” Nhà Trắng. Còn nhớ, trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua, ông Trump dọa sẽ áp mức thuế lên tới 60% đối với tất cả hàng hóa của quốc gia Ðông Á này. Tháng rồi, Bắc Kinh cho biết đã điều tra nhà sản xuất vi mạch Nvidia về khả năng vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc. Hành động này diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Trung Quốc áp lệnh trừng phạt đối với 7 công ty Mỹ với lý do tham gia hoạt động viện trợ quân sự của Mỹ cho Ðài Loan. Song, lệnh trừng phạt này của Bắc Kinh có tác động khiêm tốn, bởi các công ty này không bán vũ khí hoặc hàng hóa liên quan cho Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng động thái mới nhất của Bắc Kinh có thể làm phức tạp các cuộc đối thoại giữa hai quốc gia, vốn đã căng thẳng vì nhiều vấn đề, từ thương mại, nhân quyền đến hoạt động quân sự. Việc siết chặt xuất khẩu có thể kéo theo gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và châm ngòi cho động thái trả đũa từ Washington.