05/01/2025 - 07:33

Năm nóng nhất trong lịch sử ở nhiều nơi trên thế giới 

Viện Khí tượng Quốc gia Brazil (Inmet) ngày 3-1 cho biết nhiệt độ trung bình của nước này trong năm 2024 là 25,02 độ C, mức cao nhất được ghi nhận kể từ khi bắt đầu theo dõi vào năm 1961.

Ấn Ðộ vừa trải qua năm nắng nóng chưa từng có trong lịch sử. Ảnh: AFP

Kết quả của một nghiên cứu được thực hiện giữa Inmet và Bộ Nông nghiệp Brazil cho thấy nhiệt độ năm qua đã vượt mức kỷ lục của năm 2023 là 24,92 độ C. Cả năm 2023 và 2024, nhiệt độ trung bình trong năm đều cao hơn mức trung bình cao nhất trong các năm 1991 và 2000 khi ở mức 24,33 độ C.

Trước năm 2023 và 2024, nhiệt độ trung bình cao nhất ở Brazil được ghi nhận vào những năm xảy ra hiện tượng El Nino. Các nhà khoa học khẳng định hiện tượng thời tiết cực đoan này có thể liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu, sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và những thay đổi môi trường cục bộ.

 Năm 2024, Brazil cũng hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất và dài nhất trong 60 năm gần đây. Các vụ cháy rừng cũng lên tới mức kỷ lục gần 278.230 vụ, cao hơn 46% so với năm 2023 và cao nhất trong 14 năm qua.

Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Ðịa vật lý Indonesia (BMKG) ngày 3-1 cho biết năm 2024 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử nước này. Ðiều này phản ánh xu hướng toàn cầu khi nhiều quốc gia cũng báo cáo mức tăng nhiệt độ chưa từng thấy, gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu.

Theo BMKG, nhiệt độ trung bình ở Indonesia trong năm 2024 đạt mức 27,5 độ C, cao hơn 0,8 độ C so với mức nhiệt trung bình từ năm 1991 đến 2020. Dữ liệu này được thu thập từ 113 trạm quan trắc trên toàn quốc.

 Indonesia - một trong những quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới - hiện vẫn phụ thuộc nặng nề vào năng lượng hóa thạch, yếu tố được các nhà khoa học xác định là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Việc đốt cháy than đá, dầu mỏ và khí đốt không chỉ làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất mà còn gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người.

Không chỉ Indonesia, nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới cũng báo cáo mức nhiệt kỷ lục trong năm vừa qua. Tại châu Á, cả Trung Quốc và Ấn Ðộ đều xác nhận năm 2024 là năm nóng nhất trong nhiều thập kỷ. Ấn Ðộ đã trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất từ trước đến nay vào năm ngoái, với nhiệt độ tăng vọt lên hơn 45 độ C. Trong đợt nắng nóng vào tháng 5-2024, thủ đô New Delhi đã ghi nhận mức nhiệt 49,2%, tương đương mức kỷ lục trước đó của thành phố vào năm 2022.

Liên Hiệp Quốc cũng tuyên bố 2024 là năm nóng nhất từng ghi nhận trên toàn cầu, đánh dấu đỉnh điểm của một thập kỷ nóng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Theo số liệu của Báo cáo Tình trạng Khí hậu Toàn cầu 2024 do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố hồi tháng 11-2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2024 vượt nhiệt độ năm 2023 và cho đến nay là năm nóng kỷ lục, sau 16 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình trong tháng đạt kỷ lục, từ tháng 6-2023 đến tháng 9-2024. 

TTXVN

 

Chia sẻ bài viết