Giới chức Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết tình trạng gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần trong dân số, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Áp lực kinh tế và công việc ngày càng gia tăng khiến nhiều người Trung Quốc gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ảnh: AFP
Báo động tỷ lệ trẻ em bị trầm cảm
Mới đây, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã thông báo kế hoạch giải quyết những “lỗ hổng” trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2025-2027. Sáng kiến này bao gồm việc thành lập đường dây nóng về sức khỏe tâm thần quốc gia, các trung tâm đối phó rối loạn tâm thần cấp vùng và quốc gia, cũng như thúc đẩy việc phát triển các chuyên khoa lâm sàng quan trọng trong lĩnh vực này. Ðáng chú ý, Trung Quốc sẽ bảo đảm việc cung cấp hơn 90% các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm các trạm y tế cộng đồng, trung tâm y tế cấp xã, phòng khám thôn và khoa ngoại trú.
Những nỗ lực nói trên của NHC nằm trong một chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho 1,4 tỉ dân của nước này. Ðược biết, NHC đã xác định giai đoạn 2025-2027 là “Những năm vì dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhi khoa và tâm thần”. Ðể đào tạo thêm nhiều chuyên gia, NHC cho biết có thể điều chỉnh mức lương và phương pháp điều trị để tập trung cho khu vực khoa nhi và khoa tâm thần tại các bệnh viện trong giai đoạn này.
Những năm gần đây, vấn đề sức khỏe tâm thần ngày càng được quan tâm nhiều hơn tại Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng ưu tiên giáo dục sức khỏe tâm thần trong học đường. Trong đó, một kế hoạch hành động quốc gia đã được đưa ra vào năm 2023 nhằm mục đích đảm bảo hơn 95% các trường học có bố trí ít nhất 1 giảng viên sức khỏe tâm thần toàn thời gian hoặc bán thời gian vào cuối năm 2024.
Sách Xanh về sức khỏe tâm thần Trung Quốc năm 2023 xác định tỷ lệ phát hiện trầm cảm ở học sinh trung học phổ thông là 40%, 30% đối với học sinh trung học cơ sở và 10% đối với học sinh tiểu học. Từ năm 2010 đến 2021, tỷ lệ tự tử ở trẻ em từ 5-14 tuổi ở Trung Quốc tăng trung bình hàng năm gần 10%.
Nguyên nhân gây khủng hoảng sức khỏe tâm thần
Theo các chuyên gia, việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại và cơ hội việc làm ngày càng bấp bênh đã gây thêm nhiều mối căng thẳng trong cuộc sống, làm trầm trọng thêm các thách thức về sức khỏe tâm thần của người dân. Mặc dù tỷ lệ tội phạm bạo lực ở Trung Quốc vẫn thấp hơn mức trung bình toàn cầu, nhưng tác động ngày càng tăng của tình trạng kinh tế bất ổn đối với sức khỏe tinh thần của người dân rất rõ nét.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 54 triệu người ở Trung Quốc bị trầm cảm và 41 triệu người dân mắc chứng rối loạn lo âu. Theo Tân Hoa xã, vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt ảnh hưởng đến thanh thiếu niên Trung Quốc, với tỷ lệ trầm cảm trong thanh thiếu niên ở mức khoảng 2% cả nước.
Thêm vào đó, việc liên tục xảy ra các vụ bạo lực gây chết người gần đây đã nêu bật nhu cầu cấp thiết về việc phải giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần tại Trung Quốc. Ðiển hình là vụ tấn công bằng dao tại Học viện Nghệ thuật và Công nghệ Vô Tích ở tỉnh Giang Tô và vụ đâm xe vào người đi bộ ở tỉnh Quảng Ðông vào tháng 11-2024.
Giữa lúc các cơ quan y tế Trung Quốc nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần của người dân, nhu cầu tìm đến các cơ sở cung cấp liệu pháp tâm lý ngày càng gia tăng. Theo dữ liệu từ Qcc.com, nhà cung cấp thông tin tín dụng doanh nghiệp, số lượng cơ sở tư vấn tâm lý tại Trung Quốc tăng gấp 10 lần từ năm 2011 đến năm 2020. Con số này tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30.700 cơ sở.
NGUYỆT CÁT
(Theo China Daily, Business-standard.com)