Năm 2024, toàn thành phố có trên 56.740 người được giải quyết việc làm (GQVL), vượt trên 12% kế hoạch. Trong nhiều giải pháp khả thi, nổi bật hiệu quả nguồn vốn chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (chương trình GQVL). Nguồn vốn vay được phân bổ đến các quận, huyện, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế gia đình của người dân.
Hộ dân ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt vay vốn chương trình GQVL mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh
Nhắc nhở nhân công cẩn thận khi chuyển các sọt trứng vịt lên xe tải chở đi TP Hồ Chí Minh, chị Phạm Thị Bảo Trân, ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Ðỏ, nhẩm tính và cẩn thận ghi chép số liệu vào sổ sách. Chị Trân đang “đặt hàng” các hộ nuôi vịt, gà đẻ trong vùng để chuẩn bị cung ứng trứng theo đơn đặt hàng các nơi dịp Tết Ất Tỵ sắp tới. Chị Bảo Trân kể, vợ chồng chị làm nghề mua bán trứng vịt, gà hơn 20 năm nay. Năm 2019, vợ chồng chị Trân lập trại nuôi vịt, ấp trứng để đảm bảo giá thành, chất lượng nguồn trứng cung cấp, duy trì mối lâu dài. Sau dịch COVID-19, chị Trân được vay 65 triệu đồng để ổn định mua bán, kết nối nguồn tiêu thụ. Chị Trân cho biết: “Nguồn vốn vay hỗ trợ rất kịp thời, đúng thời điểm. Hằng ngày, chồng tôi quản lý trại chăn nuôi, tôi quán xuyến cửa tiệm. Mỗi tuần 2 lần, tôi vận chuyển trứng vịt lên TP Hồ Chí Minh. Bình quân, tôi bán từ 4.000-4.500 trứng, lợi nhuận từ 600.000 đồng/ngày”.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ Vườn táo Hạnh Nguyễn, khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thông tin, vườn táo đã mở cửa đón khách mỗi ngày qua Tết Ất Tỵ. Khách tham quan, hái và dùng trái cây tại vườn, như ổi, thanh nhãn, nho thân gỗ, nhất là táo Thái giòn, ngọt và thưởng thức ẩm thực tại chỗ. Chị Hạnh kể, năm 2020, với ý tưởng mở khu du lịch sinh thái, chị Hạnh và em trai đầu tư cải tạo vườn, trồng 100 cây táo Thái và các loại cây ăn trái. Sau 3 năm, chị Hạnh thu hoạch táo, bán từ 30.000-50.000 đồng/kg. Chị Hạnh sử dụng 80 triệu đồng vốn vay ưu đãi để bao lưới vườn táo, mua máy tưới và các vật liệu cần thiết. Chị Hạnh cho biết: “Chị em tôi đang tích lũy vốn để mở rộng mô hình du lịch sinh thái phục vụ du khách”.
Hướng dẫn khách tham quan 7 công vườn đu đủ Ðài Loan và sầu riêng Musang King tươi tốt, anh Nguyễn Vũ Phương, khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, phấn khởi với hiệu quả mô hình canh tác “lấy ngắn nuôi dài”. Năm 2023, anh Phương được giới thiệu vay 50 triệu đồng cải tạo vườn, mua 700 cây giống đu đủ Ðài Loan, phân bón. Sau 8 tháng, anh Phương thu hoạch từ 300-400kg trái, bán từ 4.000-10.000 đồng/kg. Anh Phương cho biết: “Giống đu đủ này dễ trồng, mau thu hoạch, dễ tiêu thụ. Từ lợi nhuận này, tôi trồng 100 cây sầu riêng Musang King hơn 1 năm nay, hy vọng sẽ đạt năng suất, lợi nhuận cao”.
Huy động nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu
Năm 2024, toàn thành phố có trên 10.626 lao động vay trên 491,9 tỉ đồng từ chương trình GQVL; dư nợ trên 1.883,8 tỉ đồng, với trên 43.887 lao động vay. Nguồn vốn chương trình GQVL kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập của nhiều hộ dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần hoàn thành chỉ tiêu GQVL. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều hộ dân có nhu cầu vay chương trình GQVL để mở rộng mô hình làm ăn, tạo việc làm cho nhiều lao động nhưng do nguồn vốn này có hạn, chủ yếu cho vay GQVL trong gia đình, chưa đáp ứng thỏa đáng nhu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Anh Võ Trầm Hương, chủ cơ sở may gia công ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: “Tôi đang quản lý trên 40 lao động, thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng/người, theo sản phẩm. Tôi đã vay 50 triệu đồng và có nhu cầu vay thêm để mở rộng cơ sở, lắp đặt thiết bị, tuyển dụng lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất”. Cơ sở may của chị Hà Thị Kim Liên, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt có khoảng 10 lao động. Ðể đáp ứng sản lượng, chị Liên có nhu cầu vay thêm vốn để mở rộng cơ sở, mua máy may, thu nhận thêm lao động tại địa phương…
Năm 2025, để chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu người vay, thành phố tập trung huy động các nguồn tiền gửi tiết kiệm; thành phố và các quận, huyện tiếp tục bố trí nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội theo kế hoạch, ưu tiên cho vay chương trình GQVL. Ðồng thời, phối hợp rà soát, thẩm định nhu cầu vay vốn chương trình GQVL; hướng dẫn hộ dân cách sử dụng vốn và nhân rộng mô hình làm ăn hiệu quả. Qua đó, góp phần hoàn thành chỉ tiêu GQVL cho 50.700 lao động cuối năm 2025.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG