15/12/2008 - 20:44

Đồng bằng sông Cửu Long

Ưu tiên phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, chất lượng cao

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ có thế mạnh về lúa gạo mà còn là vựa trái cây, thủy sản lớn nhất so với các vùng miền khác trong cả nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hiệu quả từ mô hình sản xuất lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Định hướng trồng cây gì, theo phương pháp nào; hay chọn đối tượng nuôi thủy sản, vật nuôi, quy trình nuôi... ra sao để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường đang là những vấn đề được quan tâm.

* Chọn 1-3 loại cây trồng chủ lực

ĐBSCL có nhiều loại trái cây đặc sản như: xoài cát, bưởi, cam sành, quýt đường, nhãn tiêu da bò, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, chuối cau, đu đủ, khóm... Trong đó, có nhiều loại cây được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưu chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn như: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi... Một số loại có thương hiệu trên thị trường: bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, sầu riêng hạt lép (Chín Hóa, Mongthong, Ri6), xoài cát Hòa Lộc...

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT), năm 2007, ở ĐBSCL có tỷ lệ trồng xoài cao nhất (chiếm 14% trên tổng diện tích), kế đến là chuối, cam quýt, nhãn, bưởi, chôm chôm, khóm, sầu riêng. So với năm 2002, cơ cấu cây ăn quả có nhiều thay đổi, nhãn từ 23% trên tổng diện tích nay giảm còn 12% do hiệu quả kinh tế thấp, bưởi từ 2% tăng lên 6%, cam quýt dù bệnh vàng lá gân xanh nhưng hiệu quả cao nên diện tích chỉ giảm 1% (còn 12%). Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho rằng: “Do nông dân còn sản xuất theo kiểu vườn tạp, manh mún, nên gặp nhiều khó khăn trong xây dựng thương hiệu, không đáp ứng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, đồng đều. Quy trình đóng gói cũng lạc hậu, thường tận dụng những thùng sản phẩm công nghiệp như thùng mì, thùng xà bông... Tất cả những vấn đề này dẫn đến nghịch lý, người tiêu dùng mua trái ngon rất đắt, còn nông dân bán với giá rẻ, do qua nhiều trung gian”.

Trái chôm chôm dự thi Hội thi trái ngon ĐBSCL lần thứ 14 tại Hội chợ Quốc tế Nông nghiệp Cần Thơ tháng 12-2008. Ảnh: THU HÀ 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, các địa phương vùng ĐBSCL phải định hướng trồng 1-3 cây đặc sản, đồng thời có chính sách khuyến khích nông dân như: hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật canh tác, bao tiêu đầu ra... Song song đó, quy hoạch phải đi kèm với chính sách phát triển cụ thể, tạo đầu ra ổn định. Phải sản xuất theo quy trình VietGap, Global Gap (sản xuất an toàn và truy nguyên được nguồn gốc theo tiêu chuẩn toàn cầu) nhằm thích nghi với điều kiện tiêu dùng mới. Việt Nam đã là thành viên của WTO, xuất khẩu hàng hóa cũng thuận lợi hơn nhưng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được xem là rào cản kỹ thuật cho nông sản. Trái cây Việt Nam muốn vào thị trường khó tính phải đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn được công nhận và có thương hiệu. Trong năm 2008, ĐBSCL đã và đang triển khai mô hình sản xuất GAP trên cây ăn trái và đã đạt chứng nhận Global Gap trong năm 2008. Chẳng hạn, xoài cát Hòa Lộc ở Công ty Nông nghiệp sông Hậu (TP Cần Thơ); vú sữa Vĩnh Kim (Tiền Giang); bưởi Năm Roi của HTX Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long)... Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đang thực hiện mô hình GAP trên bưởi da xanh tại tỉnh Bến Tre; cam sành ở tỉnh Tiền Giang... Ngoài ra, một số chủng loại cây ăn trái được sản xuất theo hướng an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa như xoài Châu Hạng Võ (Trà Vinh), nhãn tiêu da bò (Tiền Giang), sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép (Bến Tre)...

Ngoài định hướng trồng cây theo quy trình VietGap, Global Gap, Bộ NN&PTNT còn yêu cầu vùng ĐBSCL phát triển cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung như: thủy lợi, giao thông... nhằm đưa ngành sản xuất rau, quả và hoa cây cảnh phát triển bền vững theo yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, để làm được những vấn đề này, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, nếu không có sự chỉ đạo chặt chẽ của các địa phương vùng ĐBSCL, mô hình trồng tự phát sẽ rất khó cạnh tranh với trái cây các nước trong khu vực. “Theo Quyết định 80/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng, chúng ta có 4 nhà, nhưng doanh nghiệp trong nước hiện rất yếu về vốn, công nghệ lạc hậu, nên không đảm được vai trò nhạc trưởng. Nhà nước nên đảm nhận vai trò này. Sản xuất theo VietGAP, Global Gap và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn mới được vào siêu thị và xuất khẩu được. Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để doanh nghiệp xây dựng nhà máy đóng gói, xây kho lạnh...” – Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu nói.

* Phát huy lợi thế địa phương

Nuôi trồng, chế biến thủy sản cũng là thế mạnh của ĐBSCL. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, năm 2008 xuất khẩu thủy sản đạt kim ngạch khoảng 4,3 tỉ USD. Trong đó, hai đối tượng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL là tôm sú và cá tra chiếm 67,8%. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mai Quốc Phú, Phó trưởng Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, khuyến cáo: “Trong thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL nên tiếp tục chọn con tôm sú và cá tra là đối tượng chủ lực để định hướng phát triển”. Ngoài ra, với diện tích mặt nước khoảng 954.000 ha (trong mùa lũ có thể tăng lên 4 triệu ha), chủng loại thủy sản đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước lớn... ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển thủy sản. Vì thế, cá lóc, cá rô cũng được khuyến cáo được chọn làm loài chủ lực. Các loài thủy hải sản khác như cá lóc bông, cá leo, cá hô, cá chép, cá thác lác, lươn đồng, tôm thẻ chân trắng, cua biển, ghẹ xanh, cá ngát... là những loài tiềm năng cần lưu ý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, con giống bố mẹ, con giống không được đảm bảo về chất lượng và số lượng. Ngoài ra, mô hình nuôi thương phẩm (hệ thống, quy trình, quản lý...) chưa theo quy trình, tiêu chuẩn nào. Do đó, chất thải từ nuôi thủy sản, nhất là mô hình thâm canh thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm, lây lan, phát tán nguồn dịch bệnh... Đây là những vấn đề cần phải chú ý trong nuôi trồng thủy sản vì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững.

Không đóng góp nhiều ngoại tệ vào kim ngạch xuất khẩu nhưng heo, vịt, gà, bò... ở ĐBSCL cũng góp phần đáng kể trong việc cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Văn Sơn, Phó Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Nên chọn heo, vịt, gà công nghiệp, gà địa phương, bò thịt là các loại ưu tiên. Tuy nhiên, giá cả các vật nuôi thường xuyên biến động theo quy luật cung-cầu. Hơn nữa, hầu hết các thức ăn chăn nuôi đều nhập ngoại nên các sản phẩm này đều có giá thành cao, tính cạnh tranh thấp. Để các vật nuôi này phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Võ Văn Sơn, khuyến cáo: Cần chú ý giảm giá thành sản phẩm bằng cách đưa phụ phẩm nông nghiệp vào khẩu phần ăn để giảm thức ăn công nghiệp. Trong việc lựa chọn con giống, các tỉnh, thành ĐBSCL cần chú ý ưu tiên phát triển vật nuôi đã thích nghi và vật nuôi bản địa; không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm; không phát triển nhanh, tràn lan để tránh mất cân bằng cung-cầu. Ngoài ra, các địa phương cũng chú ý xây dựng các mô hình phù hợp với từng đối tượng, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ví dụ như: xây dựng mô hình chăn nuôi heo kết hợp cá – biogas để tăng tính bền vững và giảm ô nhiễm môi trường. Mô hình an toàn sinh học trên gia cầm như: đàn giống – ấp trứng – vịt thịt/vịt trứng; gà công nghiệp/gà thả vườn – thu mua/giết mổ – chợ/cửa hàng/siêu thị;... Đặc biệt, ĐBSCL cần lưu ý phát triển những đối tượng mang tính duy nhất để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nông dân ĐBSCL cần liên kết sản xuất theo mô hình hợp tác (tổ hợp tác, hợp tác xã...) để có sản lượng lớn, đồng đều đáp ứng những đơn đặt hàng lớn, kết nối giữa doanh nghiệp với nhà nông. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Mai Quốc Phú cho rằng: Nhà nước nên nhanh chóng hình thành những vùng quy hoạch đối tượng cây trồng, vật nuôi thật cụ thể. Song song đó, các nhà khoa học cần đưa ra những quy trình sản xuất, nhất là đối với các đối tượng thủy sản hiệu quả kinh tế cao; quy trình xử lý chất thải từ quá trình chăn nuôi... Mặt khác, Nhà nước cần hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường một cách nhanh chóng và chính xác để làm cơ sở cho việc phát triển đối tượng cây trồng, vật nuôi, số lượng để đảm bảo cho nông dân đầu tư sản xuất hiệu quả.

HÀ TRIỀU – GIA BẢO

Chia sẻ bài viết