29/09/2021 - 14:12

Ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra nông sản sạch, an toàn 

Là huyện có lợi thế phát triển nông nghiệp, những năm qua Phong Ðiền tập trung khai thác, phát huy thế mạnh này. Do yêu cầu thị trường ngày càng cao, trong khi chi phí đầu tư sản xuất lại có xu hướng gia tăng, nhiều nông dân, nhà vườn của huyện mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ 4.0, quy trình sạch vào sản xuất nông nghiệp. Những mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa cho nhiều nông dân học tập, nhân rộng.

Hệ thống nước tưới cho vườn sầu riêng điều khiển bằng điện thoại thông minh của anh Nguyễn Văn Nhuận.

Hiệu quả từ mô hình

Ở ấp Trường Tây, xã Tân Thới, anh Nguyễn Văn Nhuận, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Trường Tây, được nhiều người biết đến với phương pháp trồng sầu riêng “nhàn nhã” vừa đem lại thu nhập cao. Anh Nguyễn Văn Nhuận, chia sẻ: “Tôi gắn bó với cây sầu riêng 6 năm qua, diện tích cả khu vườn này hơn 9.000m2 nhưng khâu chăm sóc khá đơn giản. Bởi tôi áp dụng hệ thống tưới, phun thuốc, bón phân tự động điều khiển bằng điện thoại thông minh. Tôi có thể tưới nước, bón phân, xịt thuốc cho vườn sầu riêng bất cứ khi nào, ở đâu mà không cần phải ra đến tận vườn. Nhờ chủ động trong tưới tiêu, nguồn nước lấy từ đầu nguồn, giờ giấc chăm sóc điều độ nên chất lượng sầu riêng của vườn tôi rất đạt. Thương lái đến tận vườn thu mua, thời điểm giá thấp nhất cũng 30.000 đồng/kg, mức giá này vẫn đảm bảo thu về lợi nhuận khá”.  

Không chỉ riêng cây ăn trái, một số hộ dân của huyện còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản. Ông Văng Ðắt Phuông, ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, cho biết: Tôi mới bắt đầu nuôi lươn khoảng 2 năm nay nhưng nhận thấy đầu ra con lươn khá ổn định, tỷ suất lợi nhuận lên đến 90-100%. Mặt khác, nhu cầu về sản phẩm sạch, chất lượng ngày càng cao nên bắt đầu thực hiện nuôi lươn theo hướng VietGAP và thử nghiệm nuôi thâm canh theo công nghệ tuần hoàn nước. Ðiểm mạnh của mô hình nuôi lươn theo công nghệ tuần hoàn nước là tiết kiệm được thời gian, chi phí và nguồn nước do áp dụng công nghệ tự làm sạch và tái sử dụng nguồn nước. Công nghệ này cũng giúp người nuôi kiểm soát mầm bệnh, sức khỏe và chất lượng sản phẩm lươn nuôi, cho ra thị trường sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Ðiền, việc định hướng, hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn được ngành Nông nghiệp huyện đặc biệt chú trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong 8 tháng năm 2021, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp tổ chức 28 lớp tập huấn, hội thảo, với 794 lượt nông dân tham dự. Các lớp tập huấn, hội thảo xoay quanh nội dung về kỹ thuật trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP; cung cấp kiến thức an toàn thực phẩm, văn bản pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; kỹ thuật trồng hoa kiểng, chăm sóc nấm bào ngư xám, chăm sóc sầu riêng… Bên cạnh đó, Phong Ðiền còn tái đánh giá nội bộ 4 mô hình VietGAP tại Hợp tác xã Trường Trung A, Hợp tác xã Tân Thới 1, Tổ hợp tác Sầu riêng Tân Thành, Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hữu Thiên.

Thay đổi tư duy

Những lợi ích từ việc ứng dụng khoa học công nghệ để hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn đã mang lại những lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhân rộng các mô hình này vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Hiện nay, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đa phần có vốn đầu tư lớn, quy trình sản xuất nghiêm ngặt nhưng tỷ lệ rủi ro về thị trường tiêu thụ sản phẩm cao. Bên cạnh đó, trình độ của nông dân vẫn chưa đồng đều khiến việc ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản gặp không ít trở ngại, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế…

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề tuyên truyền để thay đổi tư duy cho người nông dân vẫn phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, thường xuyên hơn. Anh Nguyễn Văn Nhuận, chia sẻ: “Khi áp dụng công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, dĩ nhiên vốn đầu tư ban đầu sẽ cao nhưng sau đó sẽ mang lại hiệu quả lâu dài. Ðơn cử, vườn sầu riêng 9.000m2 của tôi nếu tưới thủ công phải mất cả ngày, tiền công tưới tốn từ 200.000-250.000 đồng. Khi áp dụng hệ thống tưới tự động điều khiển bằng điện thoại di động tôi chỉ mất khoảng 15-20 phút và không phải thuê mướn nhân công nào cả”. Rút kinh nghiệm từ mô hình của gia đình, thời gian qua, anh Nhuận đã chia sẻ kinh nghiệm và trực tiếp chuyển giao, thi công hệ thống phun tưới tự động cho bà con trong tổ hợp tác và các địa phương lân cận.

Ðể thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, khẳng định: Việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; ứng dụng mã QR để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hay đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử quảng bá, tìm kênh phân phối không còn là chuyện xa lạ mà trở thành xu thế tất yếu. Vì vậy, huyện xác định huy động mọi nguồn lực; tận dụng, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án đang và sắp triển khai để hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng, nhân rộng các công nghệ này vào thực tiễn. Huyện cũng sẽ tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo; xây dựng mô hình điểm; tham quan thực tế để các nông dân, nhà vườn dần thay đổi thói quen  canh tác lạc hậu, mạnh dạn hiện đại hóa, số hóa quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết