10/05/2016 - 10:08

Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng lúa gạo sau thu hoạch

Viện Lúa ĐBSCL vừa phối hợp với Công ty Tư vấn Thương mại Sontag tổ chức Hội thảo "Giới thiệu công nghệ tiên tiến sau thu hoạch-Lưu trữ sinh thái - Gạo đồ chất lượng cao - Xay xát năng suất cao và các giải pháp năng lượng sinh thái". Tại đây, một số vấn đề về hiện trạng bảo quản, chế biến lúa gạo sau thu hoạch; nguyên nhân làm giảm chất lượng và giá trị lúa gạo xuất khẩu được đưa ra thảo luận. Từ đó, nhiều giải pháp công nghệ, thiết bị tiên tiến để bảo quản, tồn trữ và chế biến lúa gạo mang lại hiệu quả cao đã được các đại biểu giới thiệu, chia sẻ.

Theo các chuyên gia đầu ngành, hiện tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL là 13,7%. Trong đó, khâu thu hoạch thất thoát 3%, vận chuyển 0,9%, làm sạch và làm khô 4,2%, bảo quản 2,6%... Đây là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam những năm qua có xu hướng tăng về lượng nhưng giá trị lại giảm. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa khoảng 2,1 triệu ha với diện tích gieo trồng hằng năm đạt khoảng 3,8 triệu ha, sản lượng lúa đạt 24 triệu tấn/năm, sản lượng gạo xuất khẩu chiếm 95% sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước. Tuy nhiên, do sử dụng công nghệ lạc hậu, thô sơ nên tổn thất sau thu hoạch lúa gạo vẫn ở mức cao, với giá trị thất thoát trên 781 triệu USD/năm. Ngoài ra, do bảo quản kém, nên giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL còn cao làm ảnh hưởng rất lớn đến giá trị xuất khẩu của hạt gạo Việt.

Đồng quan điểm trên, theo ông Lương Trung Hiếu, đại diện Công ty TNHH Buhler Farmila Việt Nam, quá trình sản xuất, thu hoạch, xử lý lúa gạo hiện nay ở ĐBSCL chưa đảm bảo đã làm giảm chất lượng gạo xuất khẩu và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Đơn cử như tình trạng gạo lên cám, phát sinh ẩm vàng sau giao hàng thường xuyên xảy ra; giải quyết sâu mọt trong bao gạo thành phẩm vẫn chưa triệt để; mối mọt luôn là vấn đề khó xử lý trong hầu hết các nhà máy chế biến… Do đó, việc bảo quản lúa bằng công nghệ làm mát hạt trong các vùng nhiệt đới nóng và ẩm là hết sức cần thiết nhằm tạo môi trường thích hợp để giảm sự hô hấp của hạt lúa; tránh mất mát do chuột, bọ, côn trùng, nấm mốc gây hại; giữ giống tốt cho vụ kế tiếp; kéo dài thời gian tiêu thụ, mở rộng thị trường, chờ giá cao để bán và đảm bảo an ninh lương thực…

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: Bên cạnh việc đầu tư nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa mới đáp ứng nhu cầu thị trường, vấn đề giảm thất thoát sau thu hoạch, bảo quản, chế biến cần được chú trọng hơn. Gần đây, việc áp dụng giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao giá trị lúa gạo hàng hóa ngày càng được quan tâm. Điều này vừa góp phần giảm chi phí sản xuất, đồng thời nâng giá trị xuất khẩu cho cho hạt gạo Việt. Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận giải pháp công nghệ và thiết bị, đặc biệt là các thiết bị công nghệ mới tiên tiến để bảo quản, tồn trữ và chế biến lúa gạo mang lại hiệu quả cao. Cụ thể như: quản lý dòng trung chuyển và lưu kho, làm sạch và sấy khô, xay xát chế biến gạo; công nghệ lò hơi đốt trấu và công nghệ xay xát chế biến gạo thân thiện với môi trường…

Nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện khí hậu ở ĐBSCL dễ sản sinh nấm mốc, côn trùng, gây tổn thất và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng lúa nếu không có biện pháp bảo quản hiệu quả. Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đề xuất: Việc ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại như phương pháp làm mát lúa gạo trong kho kín để bảo quản lúa gạo vừa hạn chế thất thoát; đồng thời tăng giá trị cho hạt gạo xuất khẩu. Việc bảo quản lúa nêu trên có nhiều tiện ích như: giúp giảm được thời gian sấy lúa, giảm được độ ẩm của hạt lúa từ 0,5-1%, giảm thiểu lượng nhiệt sinh ra do hô hấp và giảm được tổn thất về khối lượng của lúa trong bảo quản, ngăn chặn được sinh sôi của các loại côn trùng và sự phát triển của vi sinh vật. Đây là phương pháp hứa hẹn sẽ thay thế phương pháp xử lý hóa chất thông thường và giảm rủi ro nhiễm độc từ thuốc trừ sâu, thích hợp cho các vùng sản xuất lúa tập trung. Tuy nhiên, để bảo quản lúa thành công, cần lưu ý một số yêu cầu như trước khi đưa vào kho bảo quản, phải loại trừ hết các hạt non, hư hỏng, rơm, hạt cỏ, đất, cát, sỏi… ra khỏi khối lúa; làm khô lúa đến độ ẩm hợp lý và không trộn lúa mới và lúa cũ với nhau trong kho chứa.

Liên quan đến việc bảo quản lạnh lúa sau thu hoạch trên, ông Lương Trung Hiếu, đại diện Công ty TNHH Buhler Farmila Việt Nam, cho rằng: Công nghệ trên không chỉ thời gian thu hồi vốn ngắn, đơn giản hóa quá trình quản lý lưu trữ mà còn giúp giữ được độ tươi mới/hương vị của lúa gạo; bảo vệ được chất hữu cơ có trong gạo; giảm tỷ lệ gạo gãy trong quá trình chế biến… Tại Hội thảo, nhiều địa phương khẳng định, trước tình hình diện tích lúa đang có chiều hướng giảm mạnh, năng suất lúa lại không tăng nhiều, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và dành một phần đáng kể cho xuất khẩu, không còn cách nào khác hiệu quả hơn là phải giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị hạt gạo ĐBSCL. Vì vậy, Nhà nước nên hỗ trợ tích cực các nhà máy xay xát, chế biến gạo đầu tư, nâng cấp công nghệ và thiết bị mới; tổ chức các khóa huấn luyện về công nghệ sau thu hoạch; thành lập quỹ bình ổn giá để khuyến khích các doanh nghiệp lương thực thu mua và tồn trữ lúa…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết