09/12/2022 - 08:54

Ứng dụng công nghệ hiện đại phát triển bền vững ngành thủy sản 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Ngành thủy sản Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế tại thị trường trong nước lẫn quốc tế, song cũng đang đối mặt với không ít thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp (DN) trong ngành. Do đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại để phục vụ nuôi trồng, chế biến thủy sản, chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại, chinh phục khách hàng bằng chất lượng, uy tín, thương hiệu càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh hội nhập.

Mô hình nuôi tôm công nghệ của Tập đoàn Việt Úc.

Nắm bắt cơ hội

Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy) với giá trị 8,9 tỉ USD trong năm 2021. Dự báo năm 2022, xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mốc hơn 10 tỉ USD, tăng hơn 12% so với năm 2021. Theo các chuyên gia, trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng trong sản lượng đánh bắt, ngành nuôi trồng thủy sản đang ngày càng phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu gia tăng về thực phẩm thủy sản. Tuy nhiên ngành thủy sản cũng chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, lạm phát tăng cao, sức mua giảm. Bên cạnh đó, hàng thủy sản đang giảm sức cạnh tranh do giá thành phẩm tăng theo chi phí đầu vào, nhất là giá thức ăn nuôi thủy sản.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển DN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chia sẻ: Sau 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19, một số xu hướng mới trong tiêu thụ thủy sản của thế giới đã được định hình, tác động tích cực đối với ngành thủy sản Việt Nam như mua bán trực tuyến, thúc đẩy bán lẻ. Lao động chế biến thủy sản có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác. Ðây là cơ hội cho DN Việt Nam gia tăng hoạt động gia công, chế biến. Bên cạnh đó, thương mại hai chiều giữa các nước thành viên của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gia tăng giúp Việt Nam tận dụng được hiệu quả thuế quan ưu đãi. Ðể khai thác các cơ hội phát triển mới này, DN ngành thủy sản phải đổi mới mô hình kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Ðể chuyển giao công nghệ cho ngành thủy sản thành công, GS.TS Ðặng Diễm Hồng, Viện Công nghệ sinh học, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng: Người đi chuyển giao công nghệ cần nắm chắc nhất có thể đặc điểm sinh học của đối tượng nuôi; có được quy trình công nghệ ở các quy mô khác nhau; hiểu rõ được các điểm về đặc tính kỹ thuật khi nâng cấp quy trình công nghệ lên quy mô lớn hơn. Cần đặt vấn đề cho người nhận chuyển giao lường trước mọi khó khăn, rủi ro có thể xảy ra; cần sự ủng hộ và hợp tác của bên nhận chuyển giao về kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, hóa chất. Người nhận chuyển giao công nghệ cần phải có đủ kinh phí để đáp ứng toàn bộ yêu cầu vật tư, trang thiết bị cung cấp cho người chuyển giao. Có tinh thần tiếp nhận công nghệ một cách khách quan, thực hiện theo đúng quy trình công nghệ đã đưa ra, cùng trao đổi với người chuyển giao để tiếp tục hoàn thiện công nghệ. Ban lãnh đạo của công ty nhận chuyển giao cần tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho người chuyển giao phát huy hết năng lực khoa học bảo đảm cho việc chuyển giao công nghệ thành công trong thời gian ngắn nhất có thể, tiết kiệm kinh phí và đem lại lợi ích cho cả 2 bên.

Chủ động tiếp cận công nghệ

Việc tiếp cận các công nghệ mới trong nuôi trồng, sản xuất sẽ góp phần giảm thất thoát, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Theo Tiến sĩ Lê Văn Nhân, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tôm là đối tượng nuôi phát triển mạnh ở Việt Nam, song với phát triển nhanh chóng của nghề nuôi tôm tình trạng bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở nhiều nơi. Người nuôi tôm, DN, tìm nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh thông qua việc sử dụng các loại kháng sinh nhưng từ đó cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng con giống, khả năng phòng bệnh, khánh bệnh trên tôm khi điều kiện môi trường nuôi thay đổi. Việc sử dụng các loại kháng sinh tổng hợp trong quá trình nuôi còn dẫn đến tình trạng tích lũy dư lượng kháng sinh trên tôm nuôi và dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng tôm xuất khẩu bị trả về trong những năm gần đây. Chưa kể đến việc tồn dư kháng sinh trong sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tồn dư kháng sinh trong môi trường nuôi sẽ có khả năng sinh ra các loại vi khuẩn kháng thuốc, ảnh hưởng đến quá trình phòng trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Do đó, Trung tâm đã nghiên cứu các sản phẩm có thành phần từ thảo dược có khả năng tiêu diệt, ức chế các chủng vi sinh vật gây bệnh trên tôm thay thế các loại kháng sinh hóa học và có kết quả khả quan. Do đó, các DN, hộ dân nuôi trồng thủy sản có thể tiếp cận các sản phẩm này đưa vào sản xuất, giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh và hóa chất trong chăn nuôi, góp phần giảm thiểu dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu kinh tế và chất lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

Trong nền kinh tế thị trường với sức ép cạnh tranh hết sức khốc liệt, việc DN tạo được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường là yêu cầu cấp thiết. Nhưng đi đôi với việc xây dựng thương hiệu, việc bảo vệ thương hiệu càng cần thiết hơn, là vấn đề sống còn của DN. Ông Phạm Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam, cho rằng: Các thương hiệu thủy sản Việt Nam rất có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, để bảo vệ được thương hiệu DN phải chống lại nạn làm hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà DN đã dày công xây dựng. Với mục tiêu đồng hành cùng DN bảo vệ quyền lợi, bảo vệ người tiêu dùng, Trung tâm đã nghiên cứu, hợp tác với các đơn vị khoa học đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, tối ưu nhất giúp DN và các cơ quan chức năng dễ dàng nhận biết hàng thật, hàng giả để xử lý đối tượng làm hàng giả, hàng nhái. Tem chống giả của Trung tâm đáp ứng theo quy định của pháp luật, là tem có tính pháp lý và có tính kỹ thuật cao. Theo ông Phạm Văn Thọ, hiện nay, Chính phủ, các bộ ngành, các cấp, các hiệp hội đang chung tay làm giảm những vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Nhưng trên hết vẫn là sự quan tâm, chủ động, tích cực phối hợp từ phía DN để bảo vệ chính mình và tiếp tục khẳng định thương hiệu của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Chia sẻ bài viết