01/01/2024 - 10:11

Ứng dụng cho vay phi pháp nở rộ tại Ấn Ðộ 

Người vay tiền bị nhân viên thu hồi nợ của các ứng dụng cho vay quấy rối, lạm dụng, đe dọa và tống tiền, khiến họ tìm đến cái chết. Ðó là một trong số nhiều nguy cơ mà các ứng dụng cho vay phi pháp ở Ấn Ðộ mang lại.

Nhiều người trẻ Ấn Ðộ mất việc làm vì COVID-19 chuyển sang vay tiền từ các ứng dụng cho vay phi pháp. Ảnh: AFP

Bhupendra Vishwakarma là một trong số đó. Cả 4 thành viên của gia đình nhân viên công ty bảo hiểm này hôm 12-8 đã phải tự sát sau khi “dính” vào các ứng dụng cho vay phi pháp. Trong bức thư tuyệt mệnh dài 4 trang, Vishwakarma viết rằng anh bị mắc kẹt trong vòng xoáy nợ nần từ các ứng dụng cho vay. Nhân viên thu hồi nợ của các ứng dụng đã hành hạ anh trong nhiều tháng và tin nhắn cuối cùng anh nhận được từ họ đã khiến anh tìm đến cái chết. “Hôm nay, tình hình đã tồi tệ đến mức khiến tôi bị mất việc. Tương lai cho bản thân và gia đình tôi thật đen tối. Tôi không còn xứng đáng để gặp bất kỳ ai nữa. Tôi không biết sẽ phải đối mặt với gia đình mình như thế nào?” - Vishwakarma viết trong bức thư tuyệt mệnh. Ðến nay, cảnh sát đã bắt giữ 5 người có liên quan đến vụ lừa đảo này và cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.

Vishwakarma không phải là trường hợp duy nhất bị các ứng dụng cho vay dồn tới đường cùng. Shivani Rawat, nhân viên tiếp tân 23 tuổi, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Rawat hồi tháng 6 đăng ký vay 4.000 rupee (tương đương 48USD) từ ứng dụng có tên Kreditbe vì bị chậm trả lương. Dù yêu cầu vay tiền của Rawat vẫn trong tình trạng xử lý nhưng trong vòng một tuần, chị nhận được 10-15 cuộc gọi yêu cầu trả lại 9.000 rupee. Dù nhiều lần nói với các nhân viên thu hồi nợ rằng chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào trong tài khoản nhưng họ đã sử dụng những lời lẽ khiếm nhã. Khi Rawat không nhận cuộc gọi, họ bắt đầu gửi những tin nhắn lăng mạ. Hồi tháng 8, các nhân viên thu hồi nợ của Kreditbe đã gửi cho các đồng nghiệp của Rawat những bức ảnh nhạy cảm đã qua chỉnh sửa về cô và các thành viên gia đình. Vụ việc khiến Rawat bị yêu cầu nghỉ việc. “Sau khi mất việc, tôi chán nản đến mức thậm chí còn có ý định kết thúc đời mình” - Rawat thừa nhận.

Theo tờ Al Jazeera, sở dĩ người vay tiền “chuộng” các ứng dụng cho vay là bởi chúng dễ dàng cung cấp các khoản vay cho người dùng. Chỉ vài cú nhấp chuột thì tiền sẽ “chạy” vào tài khoản của người vay trong vòng vài phút. Những ứng dụng này đã “ăn nên làm ra” trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô, một lượng lớn công nhân bị thất nghiệp hoặc khó khăn về tài chính. Mức cho vay trung bình trong các ứng dụng này dao động từ 10.000-25.000 rupee với lãi suất hàng tháng từ 20-30% và phí xử lý có thể lên tới 15%. Các nhân viên thu hồi nợ thường bắt đầu quá trình thu nợ 15 ngày sau khi các khoản vay được phê duyệt. Song, trong nhiều trường hợp, họ bắt đầu quấy rối người vay chỉ từ 4-6 ngày sau khi khoản vay được giải ngân.

Akshay Bajpai, chuyên gia an ninh mạng ở thành phố Bhopal, cho hay hiện có hơn 700 ứng dụng cho vay đang hoạt động ở Ấn Ðộ, phần lớn do người Trung Quốc sở hữu và thuê người Ấn Ðộ điều hành. Ðáng lo ngại, nhiều ứng dụng trong số này hoàn toàn lừa đảo, số khác thì nằm trong “vùng xám”, không chỉ vì những phương thức độc hại mà chúng dùng để tống tiền người vô tội mà còn bởi chúng không tuân theo các quy định của ngân hàng trung ương về cho vay trực tuyến. Ngân hàng Dự trữ Ấn Ðộ (RBI) quy định, không một tổ chức cho vay nào có thể lưu trữ thông tin chi tiết của khách hàng, ngoại trừ một số dữ liệu tối thiểu như tên, địa chỉ và chi tiết liên hệ của khách hàng. Tuy nhiên, các ứng dụng cho vay phi pháp đã truy cập danh dạ và hình ảnh khách hàng, chỉnh sửa và sử dụng chúng để tống tiền người vay nhằm lấy lại tiền.

Trong một nghiên cứu do công ty phần mềm an ninh mạng CloudSek thực hiện, các chuyên gia phát hiện 55 ứng dụng cho vay lừa đảo nhắm vào các cá nhân. Ngoài ra, họ còn xác định được hơn 15 cổng thanh toán “mập mờ” do các cá nhân người Trung Quốc điều hành. Pravin Kalaiselvan, nhà sáng lập SaveThem India, tổ chức phi chính phủ chuyên truyền bá nhận thức về tội phạm mạng, cho biết số ứng dụng này đã gieo rắc nỗi sợ hãi vào tâm trí nạn nhân bằng nhiều chiến thuật khác nhau. Ban đầu, chúng truy cập danh bạ của nạn nhân và thực hiện cuộc gọi. Nếu nạn nhân chống cự, chúng xâm nhập vào thư viện ảnh của nạn nhân, chỉnh sửa và cho phát tán hình ảnh đó. “Ðiều này khiến các nạn nhân bị hoảng loạn, cuối cùng khiến họ phải tuân thủ theo yêu cầu của những kẻ lừa đảo” - ông Kalaiselvan nói thêm.

Google Ấn Ðộ trong một báo cáo cho biết đã xóa hơn 3.500 ứng dụng cho vay cá nhân khỏi Google Play vào năm 2022 do không tuân thủ các chính sách cũng như quy định của Google. Ða số các ứng dụng này truy cập phi pháp dữ liệu người dùng, gồm danh bạ và hình ảnh. Về phần mình, Chính phủ Ấn Ðộ hồi tháng 2-2023 đã cấm 94 ứng dụng cho vay, gồm BuddyLoan, CashTM, Indiabulls Home Loans, PayMe, Faircent và RupeeRedee. Số ứng dụng này đã bị RBI gắn cờ vì nhiều lý do, gồm có liên quan đến việc quấy rồi người vay tiền.

Tuy nhiên, việc truy tìm những kẻ lừa đảo là vấn đề nan giải bởi phần lớn bọn chúng sử dụng số điện thoại ảo từ các nước láng giềng như Bangladesh, Pakistan và Nepal. Các ứng dụng cho vay của Trung Quốc cũng đang sử dụng phương thức hoạt động như vậy tại một số quốc gia Ðông Nam Á và châu Phi. ​

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết