17/05/2013 - 20:55

Tương thân tương ái - điểm tựa ở một vùng sâu

Ấp Phước Lộc, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ là địa phương thuộc vùng sâu có số hộ nghèo khá cao, cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Trước khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong ấp dựa vào sức mạnh tập thể, tinh thần tương thân tương ái làm điểm tựa, đưa Phước Lộc trở thành ấp văn hóa tiêu biểu và bền vững của Cờ Đỏ.

Vợ chồng ông Hồ Văn Năng (81 tuổi) neo đơn, nghèo khó, thuộc diện được trợ cấp đặc biệt ở địa phương. Con cháu đi làm ăn xa nên nhà chỉ còn hai ông bà lớn tuổi. Cuộc sống của ông bà đong đầy tình cảm của những người láng giềng tốt bụng. 6 năm trước nhà ông bà thuộc diện giải tỏa, nhiều người chung xóm không nệ công giúp ông bà vận chuyển đồ đạc về nhà mới ở Khu dân cư vượt lũ. Bà con lối xóm qua lại và chăm nom ông bà hàng ngày, có miếng ngon cũng chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ ông bà khi trái gió trở trời. Hàng tháng vợ chồng ông Năng còn được Tổ phúc lợi xã hội trợ giúp 10kg gạo và nhu yếu phẩm.

Đó chỉ là một trong những trường hợp hộ nghèo được Ban nhân dân ấp Phước Lộc và bà con, đặc biệt là Tổ phúc lợi xã hội của ấp quan tâm giúp đỡ. Tổ phúc lợi xã hội của ấp có trên 20 năm hoạt động, là tập hợp của những người dân Phước Lộc giàu lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Tổ có nhiều hoạt động thiết thực giúp những gia đình khó khăn trong ấp, hỗ trợ địa phương phát triển. Hàng tháng tổ vận động bình quân từ 500-700 kg để phát cho người nghèo, người già neo đơn, mồ côi hoặc mang đến bệnh viện để nấu cơm, cháo từ thiện. Tổ phối hợp với Chi hội Chữ thập đỏ của xã vận động các mạnh thường quân mua xe từ thiện để chở bệnh nhân nghèo miễn phí, chi phí vận hành xe cũng từ đóng góp hàng tháng của người dân. Hàng năm tổ còn phối hợp với chính quyền xã tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi, người nghèo ở địa phương và các nơi khác.

***

Nhân dân ấp Phước Lộc và Thạnh Hòa mừng cầu Khu dân cư vượt lũ hoàn thành.  

Ở Phước Lộc, kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào ruộng vườn, thu nhập khá bấp bênh do phụ thuộc thời tiết, mùa vụ và giá cả thị trường... Trước những cái khó, Ban nhân dân ấp và bà con càng đồng lòng thực hiện các biện pháp cải thiện đời sống như: tạo điều kiện để người dân nghèo tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người nghèo cất nhà Đại đoàn kết, tình thương… Nhiều hộ dân thoát nghèo, có đời sống ổn định cũng nhờ sự đồng lòng phối hợp. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Thanh Cường. Gia đình ông Cường có căn nhà lá dựng tạm gần mé sông đã xuống cấp trầm trọng. Vợ chồng ông vất vả làm thuê vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Ban nhân dân ấp đã vận động người thân hỗ trợ đất, bà con trong ấp chung tay giúp ông Cường xây căn nhà Đại đoàn kết mái tol tươm tất, vợ ông Cường được hỗ trợ học nghề may gia dụng. An cư, vợ chồng ông Cường chí thú làm ăn nên chẳng bao lâu đã có cuộc sống ổn định. Cuối năm 2012 gia đình ông đã thoát nghèo.

Những năm qua, ấp có nhiều nguồn vốn từ các tổ tương trợ sản xuất của các Chi hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh. Được hỗ trợ vốn với lãi suất thấp hoặc không lãi giúp nhiều hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Ở Phước Lộc không thiếu những tấm gương điển hình vượt khó, làm kinh tế giỏi. Anh Nguyễn Minh Công- không có đất, chỉ thuê được một phần ba công bờ để làm rẫy, nhà có 5 nhân khẩu, đời sống hết sức thiếu thốn. Từ số tiền vay của tổ tương trợ sản xuất Chi hội nông dân ấp và Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh Công thuê thêm 3 công đất vừa canh tác ruộng vừa áp dụng mô hình nuôi cá, ếch. Nhờ siêng năng, chăm chỉ học tập và vận dụng các phương pháp, kỹ thuật mới, anh Công trở thành nông dân sản xuất giỏi. Những sản phẩm của anh đều có chất lượng cao nên Siêu thị Metro đã ký hợp đồng bao tiêu. Nhiều người cũng bắt đầu học cách làm ăn hiệu quả này.

Chính nhờ tinh thần sẻ chia, đồng lòng mà hàng năm số hộ nghèo ở Phước Lộc đều giảm. Đến nay ấp chỉ còn 68 hộ nghèo, giảm 14 hộ so với năm trước.

***

Đầu tháng 5 vừa qua, nhân dân hai ấp Phước Lộc và Thạnh Hòa cùng chung vui khánh thành cầu Khu dân cư vượt lũ. Ngày trước, bà con hai ấp qua lại bằng đò nhỏ, khá nguy hiểm. Chiếc cầu hoàn toàn do nhân dân góp của, góp sức hoàn thành với kinh phí trên 480 triệu đồng. Cầu xây xong, còn nợ ngân hàng hơn 230 triệu đồng. Nhiều bà con nhiệt tình đăng ký lấy tiền bán lúa mùa tới để trả nợ chung.

Đáng ghi nhận ở Phước Lộc là Nhà thông tin khá khang trang, đầy đủ các thiết chế văn hóa, trở thành nơi sinh hoạt của các Câu lạc bộ (CLB): Đờn ca tài tử (ĐCTT), Gia đình văn hóa, Khuyến nông. Hàng tháng CLB ĐCTT họp mặt từ 3- 4 lần để các thành viên cùng trao lời ca, tiếng đờn. Đây là CLB có truyền thống lâu đời nhất của Phước Lộc, có từ khi ấp mới thành lập và duy trì đến nay. Nhiều người trong CLB của ấp là thành viên chủ chốt của CLB ĐCTT ở xã Thạnh Phú, góp phần giành giải cao ở các cuộc thi ĐCTT cấp huyện. CLB Thể dục thể thao cũng là điểm mạnh của Phước Lộc. Các thành viên đều tự nguyện góp kinh phí để hoạt động CLB thường xuyên. Chính sự hết mình này mà Đại hội Thể dục thể thao vừa qua của xã, CLB đã giành giải nhất toàn đoàn với 5 HCV, 4 HCB.

Hơn 12 năm gìn giữ danh hiệu "ấp văn hóa" và phát huy nếp sống nhân ái, Phước Lộc đã có những khởi sắc: nhiều nhà tường khang trang, đường lộ phẳng phiu, các cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế đều được xây mới, đời sống tinh thần được nâng chất. Đó là thành quả đáng ghi nhận.

Bài, ảnh: Ái Lam

Chia sẻ bài viết