ÐĂNG HUỲNH (Thực hiện)
Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X - năm 2023 (lễ hội) diễn ra từ ngày 28-4 đến ngày 2-5, với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị Bánh dân gian Nam Bộ”, tại Quảng trường quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Lễ hội năm nay với nhiều hoạt động phong phú, đặc biệt là trùng vào các ngày lễ lớn như Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5 nên được kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm, góp phần tôn vinh giá trị bánh dân gian và người làm bánh.
Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức lễ hội, thông tin thêm:
- Lễ hội sẽ khai mạc tối 28-4, kết hợp với chương trình nghệ thuật kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), Ngày Quốc tế Lao động (1-5) và 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), được truyền hình trực tiếp trên sóng Ðài PT&TH TP Cần Thơ.
Lễ hội năm nay có quy mô khoảng 300 gian hàng, trưng bày, giới thiệu và bán các loại bánh dân gian, ẩm thực, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền; khu gian hàng thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm... Xuyên suốt lễ hội, các gian hàng sẽ phục vụ khách tham quan, trải nghiệm với sự trình diễn của các nghệ nhân. Sẽ có khoảng 100 loại bánh dân gian được giới thiệu tại lễ hội lần này.
Bên cạnh các hoạt động chính, lễ hội còn có nhiều hoạt động hưởng ứng như chương trình “Trò chơi dân gian”, chương trình “Bánh dân gian và tuổi thơ”, các đêm biểu diễn thời trang, nghệ thuật phục vụ khách tham quan, diễn ra từ ngày 29-4 đến 1-5. Ðặc biệt, Ban Tổ chức dự kiến mời nhà thiết kế Nguyễn Minh Công, người xác lập kỷ lục “Người đầu tiên tại Việt Nam sáng tạo nên bộ sưu tập thời trang mini với chất liệu từ các món ăn của ẩm thực miền Tây Nam Bộ” tham gia trình diễn trong khuôn khổ lễ hội.
Ban Tổ chức hy vọng, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X - năm 2023 sẽ đón 1 triệu lượt khách tham quan, trải nghiệm.
►Thưa ông, Hội thi Bánh dân gian được xem là hoạt động điểm nhấn ở các kỳ lễ hội. Năm nay, hội thi được tổ chức ra sao?
- Có thể nói, qua 9 lần tổ chức trước, thành công lớn nhất của Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ là đã tiếp thêm động lực để các nghệ nhân và làng nghề bánh dân gian gắn bó với nghề. Ðặc biệt, từ năm 2016 sau khi đoạt huy chương qua 5 kỳ hội thi trong khuôn khổ lễ hội, nhiều nghệ nhân đã phát triển nghề làm bánh rất tốt, mở rộng quy mô sản xuất, được mời tham gia trình diễn trong các sự kiện của du lịch, văn hóa cũng như phục vụ tại các khu, điểm du lịch khắp nơi vùng ÐBSCL và cả nước.
Năm nay, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, không trực tiếp phối hợp tham gia tổ chức Hội thi Bánh dân gian với thành phố, chỉ hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều lần tổ chức, TP Cần Thơ tự tin tổ chức tốt hội thi lần này. Ðến thời điểm này, Hội thi Bánh dân gian đã có 27 đơn vị của 11 tỉnh, thành phố trong cả nước đăng ký dự thi, với 121 nghệ nhân tham gia chế biến, trình diễn 73 món bánh. UBND TP Cần Thơ và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có hình thức tặng thưởng, ghi nhận những thành tích, đóng góp của các đơn vị, nghệ nhân tham gia hội thi.
► Năm nay nữa là trải qua 10 lần tổ chức, ông có nhận định gì về những hiệu quả mà Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ mang lại trong bảo tồn di sản ẩm thực ÐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng, cũng như góp phần phát triển du lịch thành phố?
- Có thể khẳng định, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ đã trở thành sự kiện thường niên, thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân đến trưng bày, trình diễn các loại bánh dân gian đặc trưng. Qua đó, lễ hội hằng năm thu hút rất đông du khách, tạo sức lan tỏa, quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh du lịch đến bạn bè trong nước và quốc tế. Lễ hội đã góp phần tôn vinh, quảng bá ẩm thực Việt Nam, bánh dân gian, từng bước xây dựng bánh dân gian trở thành đặc sản vùng, miền, quốc gia, tiến tới tạo thương hiệu và xuất khẩu sản phẩm.
Trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hoặc phối hợp Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, chúng tôi đều chú trọng giới thiệu về Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ. Ðồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, lữ hành xây dựng tour gắn với sự kiện này. Thực tế cho thấy, các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú... trên địa bàn thành phố cũng rất quan tâm quảng bá, thu hút du khách trong những ngày Cần Thơ diễn ra lễ hội.
Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX - năm 2022 đón trên 800.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: DUY KHÔI
Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ đã trở thành sự kiện văn hóa của Cần Thơ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, giới thiệu những tinh hoa và giá trị bánh dân gian vươn ra thế giới, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người và văn hóa ẩm thực truyền thống, đặc biệt là các loại bánh dân gian cả người dân Nam Bộ. Qua đó, tiếp tục tạo dựng lòng tin và sự yêu mến đối với đất nước, con người Việt Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng.
► Xin ông cho biết, Ban Tổ chức có những giải pháp gì để đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, giá cả... tại lễ hội lần này?
- Ðây là những vấn đề Ban Tổ chức rất quan tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và có phương án cụ thể. Về vấn đề tuần tra, canh gác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, các ngành chức năng như Công an, Y tế đã bố trí cơ sở vật chất, lực lượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lễ hội. Ban Tổ chức cho đấu giá 3 bãi giữ xe, giá thu theo quy định hiện hành và có niêm yết để khách tham quan theo dõi. Các bãi giữ xe được bố trí rộng rãi, hợp lý, tránh tình trạng ùn tắc...
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng có quy định với các gian hàng, chịu trách nhiệm về hàng hóa, thực phẩm, thức ăn; đặc biệt là phải niêm yết giá bán và bán đúng bảng giá công khai, bán đúng các mặt hàng đã đăng ký.
► Xin cám ơn ông!l
Tổ chức đón nhận Kỷ lục châu Á “Các loại bánh dân gian Cần Thơ”
Trước thềm diễn ra lễ hội, Cần Thơ đón nhận 2 tin vui là Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục châu Á đối với “Các loại bánh dân gian Cần Thơ” và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt)”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, Ban Tổ chức Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ X sẽ tổ chức lễ đón nhận Kỷ lục châu Á ngay tại lần tổ chức này, ghi dấu ấn đáng nhớ đối với thương hiệu “Các loại bánh dân gian Cần Thơ”. Với Di sản Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp UBND quận Thốt Nốt tổ chức lễ công bố vào tháng 5 tới.
|