Nhiều người bệnh đái tháo đường (ÐTÐ) e ngại việc uống thuốc điều trị liên tục trong thời gian dài có thể dẫn đến tác dụng phụ nên ngưng điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mà thay thế bằng các loại thuốc nam, đông y. Không ít trường hợp tự ý dùng thuốc như thế
đã khiến bệnh xuất hiện nhiều biến chứng, thậm chí ngộ độc, đe dọa tính mạng.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhận điều trị trường hợp người bệnh cao tuổi mắc ÐTÐ bị biến chứng nhiễm toan lactic suy đa cơ quan nguy kịch do tự ý dùng thuốc. BS CKII Thạch Thị Phola, Phó Khoa Nội tim mạch cho biết, nhiễm toan lactic trong quá trình điều trị ÐTÐ là một biến chứng rất nặng và có thể gây tử vong. May mắn người bệnh được gia đình đưa đến BV sớm và cấp cứu kịp thời.
Bà N.T.L (66 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) được người thân phát hiện hôn mê trong lúc ngủ và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu. Theo thông tin từ gia đình, người bệnh có tiền sử ÐTÐ tuýp 2 gần 20 năm nhưng việc điều trị không liên tục. Bệnh nhân tự ý thay thế thuốc theo toa bác sĩ bằng các loại thuốc nam, thuốc gia truyền.
Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bà N.T.L bị rối loạn tri giác, ÐTÐ nhiễm toan lactic suy đa cơ quan, nhồi máu cơ tim, tổn thương thận cấp, viêm phổi, hội chứng cushing do thuốc, viêm dạ dày. Ngay sau đó, người bệnh được hội chẩn cấp 2 và nhanh chóng chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và chống độc điều trị tích cực, bù dịch theo phác đồ, kiểm soát đường huyết bằng insulin qua bơm tiêm điện, bù bicarbonat, nâng tổng trạng, theo dõi đường huyết, nước tiểu và điện giải mỗi giờ. Sau 4 ngày điều trị tích cực, người bệnh tỉnh táo, hết nôn ói, ăn uống được, chức năng gan, thận, đường huyết dần ổn định và được chuyển đến Khoa Nội trú điều trị tiếp. Sau 1 tuần điều trị nội trú, bệnh nhân được xuất viện và tái khám định kỳ.
BS CKII Thạch Thị Phola cho biết, thời gian qua, Khoa đã tiếp nhận và điều trị rất nhiều trường hợp tương tự bà N.T.L. Những trường hợp biến chứng nặng, chậm trễ cấp cứu, người bệnh phải điều trị lọc máu liên tục hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ cũng lưu lý, người bệnh ÐTÐ cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ về dùng thuốc, chế độ ăn uống và tập luyện để giữ đường huyết ổn định, ngăn ngừa biến chứng, nhất là bệnh nhân cao tuổi mắc ÐTÐ, thường mắc đồng thời nhiều bệnh mạn tính khác, nên tiềm ẩn nguy cơ rất nhiều biến chứng do bệnh và việc không tuân thủ điều trị. Ðặc biệt, người bệnh không nên tự ý dùng các loại thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong dân gian lưu truyền nhiều bài thuốc gồm các loại cây cỏ có tác dụng hạ đường huyết. Tuy nhiên, những cây cỏ ấy không chỉ chứa tinh chất điều trị bệnh mà còn chứa cả tạp chất, độc chất. Sản phẩm thảo dược được điều chế thành thuốc cần trải qua nhiều quy trình khoa học, nghiên cứu, thử nghiệm và công nghệ chiết xuất hiện đại. Việc uống nguyên cây khiến gan, thận hoạt động quá mức, lâu ngày dẫn đến suy yếu chức năng. Bên cạnh đó, một số thuốc đông dược từng được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm có thành phần chất cấm như phenformin, loại chất có tác dụng hạ đường huyết nhưng có nhiều tác dụng phụ, thậm chí tử vong, đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia. Những bệnh nhân sử dụng đông dược chứa thành phần trên một thời gian có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, nhiều trường hợp không cứu kịp.
Người bệnh ÐTÐ, nhất là người cao tuổi, trên địa bàn TP Cần Thơ có thể tiếp cận các dịch vụ y tế trong thăm khám, tầm soát và quản lý bệnh tại hệ thống y tế cơ sở. Qua kết quả nghiên cứu năm 2021 của Sở Y tế TP Cần Thơ, mạng lưới 80 trạm y tế trên địa bàn đều triển khai thực hiện quản lý người bệnh ÐTÐ. Các trạm có đội ngũ cán bộ y tế được tập huấn công tác quản lý người bệnh ÐTÐ, cập nhật đầy đủ hồ sơ sức khỏe của bệnh nhân trên hệ thống quản lý; thực hiện quy chế chuyển tuyến người bệnh và nhận sự hỗ trợ của tuyến trên. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, tỷ lệ trạm y tế thực hiện quản lý người bệnh ÐTÐ đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế hiện ở mức trung bình. Do đó, đề xuất cần có những chính sách đầu tư, hỗ trợ để trạm y tế thực hiện công tác quản lý người bệnh tại cộng đồng hiệu quả hơn.
Thời gian qua, Sở Y tế TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức quản lý, điều trị bệnh ÐTÐ dành cho y tế tuyến cơ sở. Qua đó, góp phần cập nhật phác đồ điều trị, nhóm thuốc ÐTÐ mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chia sẻ kinh nghiệm về việc quản lý và điều trị bệnh ÐTÐ tại cộng đồng cũng như xử lý các biến chứng liên quan đến ÐTÐ.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG