07/04/2020 - 09:33

Tư tưởng bài châu Á lan rộng trên mạng xã hội 

Cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 đồng thời thúc đẩy “virus” thù ghét châu Á lan rộng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong cộng đồng trực tuyến vốn không tồn tại biên giới.

Người gốc Á là đối tượng chính bị đổ lỗi khi dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: aljazeera

COVID-19 bắt đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) hồi cuối năm ngoái, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ không đặt tên dịch bệnh theo vị trí địa lý hoặc tên động vật để tránh nạn kỳ thị. Song, động thái này cũng không ngăn được tư tưởng xa lánh, thù ghét, thậm chí là các vụ tấn công bạo lực nhắm người gốc Á khi đại dịch bắt đầu lan nhanh trên toàn cầu. Tính từ giữa tháng 3, Stop AAPI Hate ghi nhận hơn 1.100 trường hợp quấy rối chống lại người gốc Á chỉ riêng ở Mỹ liên quan dịch COVID-19.

Trên các trang mạng xã hội, hiện tượng kỳ thị diễn ra với quy mô còn rộng lớn hơn, chẳng hạn như trường hợp của Jing He. Cô gái 26 tuổi sống tại Thượng Hải bắt đầu đăng các video thành phố trải qua dịch COVID-19 lên tài khoản mạng xã hội cá nhân hồi đầu tháng 3. Các đoạn clip đã có hơn 60.000 lượt xem trên Facebook. Ban đầu nhiều người còn gởi lời nhắn bày tỏ sự chia sẻ và hỗ trợ. Nhưng sau đó, những bình luận chế giễu bắt đầu xuất hiện dưới một số clip Jing He đăng trên trang tin tức China Minutes. Nhiều bài viết của cô còn bị xóa bởi có ý kiến đề cập thuyết âm mưu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về COVID-19.

►“Virus thù ghét”

Một phân tích của trang tin Al Jazeera cho biết có hơn 10.000 bài đăng trên Twitter dùng thuật ngữ “kung-flu” (ghép giữa môn võ phương Đông kungfu và Flu-bệnh cúm) khi đề cập SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Chỉ cuối tuần rồi, kênh tin tức này ước tính có hơn 110 triệu lượt xem các bài đăng chứa từ khóa #chinese_coronavirus trên TikTok. Với ứng dụng chia sẻ ảnh phổ biến như Instagram, có tới 72.000 bài đăng dùng từ khóa #WuhanVirus và 10.000 bài gắn thẻ #KungFlu.

Trong một nghiên cứu, Phòng pháp y kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương (DFRLab) ghi nhận sự gia tăng đột biến các bài đăng sử dụng thuật ngữ mang tính phân biệt như “virus Trung Quốc” sau khi chúng được Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng một số quan chức nước này đề cập trong nhiều cuộc họp báo hoặc chương trình tin tức. Điều này nói lên thực tế những gì xuất hiện và trở thành xu hướng trên mạng xã hội thường là tấm gương phản ánh những điều xảy ra trong thế giới thực.

►“Tôi không phải virus”

Kể từ khi COVID-19 bùng phát, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, TikTok…đứng trước áp lực kiểm soát “đại dịch tin giả” trên các nền tảng trực tuyến. Chiến dịch tương tự cũng đang được triển khai, với các từ khóa như #IamNOTAVIRUS (Tôi không phải virus) trở thành xu hướng để kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc liên quan COVID-19.

Tuy nhiên, thành viên Quốc hội Anh Sarah Owen cho rằng cần có những biện pháp cứng rắn hơn bởi nhiều trang mạng xã hội vốn không có cách xử lý thỏa đáng tình trạng phân biệt chủng tộc, giới tính hoặc bất kỳ hình thức lạm dụng nào trên các nền tảng của họ. Trả lời Al Jazeera, một phát ngôn viên Facebook xác định phân biệt chủng tộc và lạm dụng là những hành vi không được dung thứ khi xuất hiện trên nền tảng này, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay. Ngoài việc tăng cường rà soát, Facebook kêu gọi sự hỗ trợ từ người dùng nếu họ phát hiện bài đăng hoặc tài khoản khác vi phạm. Tương tự, Twitter xác nhận họ vẫn đang nỗ lực xem xét và yêu cầu xóa các thông điệp không tuân thủ quy tắc người dùng. Trang mạng này cho biết sẽ tăng cường hơn nữa công cụ kiểm soát trong bối cảnh lệnh “cách ly xã hội” thúc đẩy nhu cầu trò chuyện trên mạng xã hội nhiều hơn.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết