19/09/2021 - 07:11

Từ sự kiện tại Bihar 

Những cuộc biểu tình của phụ nữ đã dẫn đến lệnh cấm bán rượu ở bang Bihar, phía Đông Ấn Độ. Nhưng quy định này có thể chấm dứt tình trạng quấy rối và bạo hành gia đình do nam giới gây ra?

Phụ nữ tuần hành phản đối rượu ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Guardian

Phụ nữ tuần hành phản đối rượu ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Guardian

Tay cầm gậy gộc và chổi, nhiều phụ nữ đã tuần hành đến một cửa hàng bán rượu ở trung tâm ngôi làng Konar thuộc bang Bihar hồi năm 2013. “Ở mọi ngôi làng, phụ nữ đều gặp rắc rối bởi rượu. Nam giới quấy nhiễu họ trên đường phố. Những ông chồng đánh đập vợ tại nhà”, bà Sunita Devi, “thủ lĩnh” cuộc biểu tình, nói. Dòng người biểu tình đã yêu cầu cửa hàng đóng cửa nhưng bất thành. Dù vậy, họ không đập phá cửa sổ hoặc chai rượu nào mà chỉ sử dụng ổ khóa mới để đóng cửa cửa hàng.

Đó là thời khắc mang tính biểu tượng tại một trong những bang bất bình đẳng giới nhất ở Ấn Độ. Bất chấp nhiều chính sách ủng hộ phụ nữ, bao gồm dành 35% số ghế trong các hội đồng cho phụ nữ và chương trình tặng xe đạp cho nữ sinh đến trường, bang Bihar lại có tỷ lệ phụ nữ biết chữ thấp nhất nước (chỉ 51,5%), số vụ tảo hôn cao nhất và nạn bạo hành gia đình tràn lan.

Khi thông tin từ Konar lan sang các làng lân cận, các cuộc biểu tình cũng nổ ra. Phụ nữ tại những nơi này đã tấn công các cơ sở nấu rượu trái phép, số khác thì nhắm vào những cửa hàng bán rượu mang về, đập vỡ các chai rượu. Thật ra, trước đó, một số cuộc biểu tình vẫn diễn ra lác đác nhưng sự kiện tại Konar đã khơi mào “phong trào đoàn kết phụ nữ từ mọi tầng lớp trong xã hội”. Nhiều người kêu gọi cấm hoàn toàn rượu. Chính quyền bang Bihar từng thúc đẩy tự do hóa thức uống có cồn, nhưng trong năm bầu cử 2015 lại cam kết cấm rượu nhằm thu hút lá phiếu của các nữ cử tri - những người cho rằng rượu chè là nguyên nhân dẫn đến bạo hành gia đình và nghèo khó. Sau đó, phụ nữ đi bỏ phiếu với số lượng kỷ lục và đến đầu tháng 4-2016, bang với dân số khoảng 124 triệu người này đã ban hành lệnh cấm bán và uống tất cả các loại rượu trên toàn bang, ngay cả ở khách sạn và quán bar. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và bất cứ ai vi phạm có thể bị kết án tù chung thân.

Có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa uống rượu quá mức và bạo hành phụ nữ. Một số nghiên cứu chỉ ra lạm dụng rượu làm gia tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của nạn bạo hành gia đình. Điều này cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trên khắp Ấn Độ, từ bang Odisha đến bang Maharashtra, kêu gọi cấm rượu. Tuy nhiên, kết quả về việc giảm nạn bạo hành phụ nữ không mấy rõ rệt. Phân tích sơ bộ của Viện Phát triển nhân loại ở thủ đô New Delhi nhận thấy mức tiêu thụ rượu giảm đáng kể, từ gần 33% số lượng nam giới uống rượu hồi trước khi có lệnh cấm xuống còn 15% hiện nay. Trong 5 năm qua, tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành giảm từ 46% xuống còn 42%, mức giảm được cho là “đáng thất vọng”.

Trước khi có lệnh cấm rượu, bang Bihar với khoảng 124 triệu dân tiêu thụ gần 25 triệu lít rượu/tháng. Ngay sau khi quy định có hiệu lực, nạn buôn lậu rượu tại bang này bắt đầu phát triển mạnh. Theo báo cáo hồi tháng 3 năm nay, hơn 346.000 người đã bị bắt vì vi phạm lệnh cấm rượu ở Bihar. Trong khi đó, thống kê của trang Statista cho thấy hồi năm 2016, lượng rượu tiêu thụ ở Ấn Độ vào khoảng 5,4 tỉ lít và ước tính lên tới 6,5 tỉ lít trong năm ngoái.

Năm 2015, nhà kinh tế học Gunjan Sharma cùng các cộng sự đã phân tích dữ liệu từ những bang cấm rượu khác ở Ấn Độ. Nhóm nghiên cứu phát hiện cấm rượu kéo giảm gần 25% số vụ tội phạm pháp chống lại phụ nữ. Dữ liệu khảo sát cũng cho thấy bạo hành gia đình giảm gần phân nửa ở các bang cấm rượu.

Shefali Chauhan, chuyên gia giới tính tại Patna - thủ phủ bang Bihar, đánh giá lệnh cấm rượu đóng vai trò quan trọng trong giải pháp cấp bách để cải thiện sự an toàn cho phụ nữ. Tuy nhiên, bà cho rằng thu hút phụ nữ tham gia lực lượng lao động, truy tố tội phạm giới tính và răn đe những hành vi sai trái khác chống phụ nữ mới là giải pháp lâu dài và tốt hơn để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn nạn bạo lực trong cộng đồng gia trưởng ở Ấn Độ. Mỹ từng cấm rượu giai đoạn 1920-1933 nhưng không thành công. Cấm rượu ở đất nước như Ấn Độ hiện nay là điều không dễ dàng.

 

Chia sẻ bài viết