14/12/2007 - 20:56

Từ hội nghị Bali nhìn về Nghị định thư Kyoto (kỳ 1) 

Tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống nhân loại ngày càng khốc liệt và có thể được cảm nhận ở mọi nơi. Tình hình cấp bách tới mức Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố chống biến đổi khí hậu là ưu tiên số một trong nhiệm kỳ của ông. Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu qui tụ hơn 10.000 đại biểu đang diễn ra tại Bali (Indonesia) nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, cụ thể là một thỏa thuận quốc tế mới thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012. Nhân sự kiện này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu loạt bài tư liệu về Nghị định thư Kyoto, được xem là “hòn đá tảng” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Kỳ 1: Biến đổi khí hậu và sự ra đời của Nghị định thư Kyoto

 

 Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thăm Nam cực hồi trung tuần tháng 11-2007 nhằm gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu. Ảnh: AP 

Theo ước tính của các chuyên gia, hoạt động của con người làm nhiệt độ Trái đất tăng thêm khoảng 0,70C hồi thế kỷ 20 và sẽ tiếp tục tăng 1,8- 5,80C nữa trong thế kỷ này. Nhiệt độ tăng làm các sông băng tan chảy, những mỏm băng biến mất trong đại dương, hậu quả là mực nước biển dâng cao. Các nhà khoa học cảnh báo nếu tất cả băng ở Nam cực tan ra, khi đó mực nước biển có thể dâng cao tới 80m, nhấn chìm hầu hết các thành phố lớn trên thế giới như Luân Đôn, New York, Sydney, Bangkok, Rio de Janeiro... Không chỉ vậy, cư dân bản xứ ở Nam cực cũng mất nơi cung cấp thức ăn; các nguồn cung cấp nước ngọt cho châu Á và Nam Mỹ mất đi; những loài động vật xứ lạnh như chim cánh cụt, gấu trắng Bắc cực và hải cẩu không còn môi trường sống và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Các nhà khoa học cảnh báo nếu cộng đồng quốc tế không sớm có biện pháp kiềm chế hiện tượng Trái đất ấm dần lên, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao và hàng triệu người có nguy cơ đối mặt với các đợt hạn hán, lũ lụt, bão, nắng nóng... thường xuyên và khốc liệt hơn.

Trước thực trạng trên, cộng đồng quốc tế đã ngồi lại với nhau và Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ra đời tại một phiên họp của LHQ diễn ra ở thành phố Kyoto (Nhật Bản) vào năm 1997. Thỏa thuận này tập trung vào carbon dioxide (CO2) và 5 loại khí thải khác được cho là tác nhân làm nhiệt độ toàn cầu tăng cao. Mục tiêu là đến năm 2012, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới phải thấp hơn ít nhất 5% so với năm 1990. Tuy nhiên, đến giữa tháng 2-2005, Nghị định thư Kyoto mới chính thức có hiệu lực. Sở dĩ việc thực thi văn kiện này bị trì hoãn do nó phải thỏa mãn hai điều kiện. Một là, phải có ít nhất 55 nước ký kết (điều này được đáp ứng từ năm 2002). Hai là, phải có 55% quốc gia phát triển trên thế giới tham gia. Rắc rối nằm ở điều kiện thứ hai. Tổng thống Mỹ George Bush cho rằng các nước đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ... không bị ràng buộc đối với việc cắt giảm khí thải là không công bằng.

Việc tân Thủ tướng Australia Kevin Rudd phê chuẩn Nghị định thư Kyoto ngay trong ngày nhậm chức hồi đầu tháng 12 vừa qua đưa số quốc gia phê chuẩn thỏa thuận trên lên con số 174 (Việt Nam ký kết năm 1998 và phê chuẩn năm 2002). Điều đáng buồn là nước thải ra nhiều khí CO2 nhất thế giới là Mỹ cho đến nay vẫn chưa tham gia hiệp ước này.

VĂN KHUÊ

(Theo Guardian, BBC, Wikipedia)
(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết