04/03/2019 - 11:31

Từ Ðen Vâu, nghĩ về người trẻ với nghệ thuật truyền thống 

“Trải nghiệm với hát bội, tôi cảm thấy như đang sống lại thời thơ bé của mình và khâm phục những nghệ sĩ đã cống hiến và gìn giữ cho nghệ thuật này. Tôi hy vọng mình có đủ cảm xúc, đủ trí tuệ để mang hát bội đến gần hơn với các bạn trẻ...”, Ðen Vâu, một rapper, chia sẻ như vậy. Chợt nghĩ về người trẻ và câu chuyện bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống.

Nghệ thuật truyền thống cần nghệ sĩ trẻ giữ gìn và phát huy. Trong ảnh: Nghệ nhân hát bội Vũ Linh Tâm.

Đó là lời chia sẻ của Đen Vâu trong chương trình “Đón Tết cùng VTV” phát trên kênh VTV3 vào mùng Một Tết Nguyên đán vừa qua. Anh chàng rapper có vẻ ngoài hiện đại, chăm chú xem nghệ nhân hát bội. Rồi anh hóa thân thành nhân vật trong một vở tuồng, ra bộ, độc thoại rất hào hứng. Trước đó ít ngày, một đoạn video clip trên Youtube quay cảnh hậu trường Đen Vâu cũng áo mão, cân đai, nhưng không hát bội mà đọc rap, khiến nhiều người thích thú.

Chia sẻ về tình yêu hát bội, anh kể đó là loại hình anh được xem từ nhỏ. Hôm dự trao giải We Choice Awards 2018, Đen Vâu được xem clip nhóm hội họa về hát bội, đoạn hát bội trong phim điện ảnh “Song Lang”, anh nghĩ đến chuyện kết hợp trang phục, hóa trang và chất liệu âm nhạc của nghệ thuật hát bội để hình thành một sản phẩm nhạc rap đặc trưng của Việt Nam. Anh lập luận, cũng là rap nhưng ca sĩ hát tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Hàn… đều có đặc sắc riêng thì rap Việt cũng phải mang bản sắc Việt. Hát bội là loại hình anh nghĩ có thể “gieo duyên” được với rap. Chia sẻ trên sóng VTV, Đen Vâu chia sẻ anh không dám hứa trước nhưng sẽ cố gắng hiện thực ý tưởng này một cách tốt nhất.

Ý tưởng của Đen Vâu nhận được nhiều sự tán đồng của người hâm mộ. Một rapper “triệu view” như anh đã tạo cảm hứng cho giới trẻ về hát bội...

Từ câu chuyện này, chợt nghĩ đến việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống mà bấy lâu nay vẫn là bài toán “giải hoài chưa ra”. 3 miền đất nước đều có những loại hình âm nhạc đặc trưng, những loại hình văn hóa khác nhau và rất cần được lan tỏa, đi sâu vào đời sống giới trẻ. Ý thức xã hội để giải quyết việc này của nghệ sĩ trẻ, người nổi tiếng là cần thiết và hiệu quả. Điển hình như từ khi phim “Cô Ba Sài Gòn” ra mắt, trào lưu mặc áo dài và tôn vinh áo dài trong giới trẻ rất rầm rộ; phim “Song Lang” với nghệ thuật hát bội cũng tạo nên cơn sốt…

Về thắng cảnh, chỉ với MV “Lạc trôi” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, một ngôi chùa tại Lâm Đồng được giới trẻ săn đón không ngớt; Phú Yên cũng trở nên thu hút sau khi phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” công chiếu… Thú vị nhất có lẽ là nghệ thuật lô tô, sau khi phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” rồi “Lô tô” công chiếu, lô tô trở thành loại hình giải trí thịnh hành, thậm chí đang được tổ chức thành một chương trình truyền hình thực tế.

Một chuyện vui là nhiều người đã rất bất ngờ khi NSND Bạch Tuyết - một nghệ sĩ cải lương gạo cội - lại hào hứng hát “Em gái mưa” - ca khúc nổi tiếng của Hương Tràm nhưng với phiên bản cải lương. Rõ ràng, chính “người trong cuộc” cũng đã chấp nhận “mở” để nghệ thuật truyền thống hội nhập.

Bài, ảnh: Ðăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết