Không ít người lên mạng xã hội học cách chế tạo pháo và mua các vật dụng về tự chế thành pháo nổ. Việc tự chế pháo nổ không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, tùy tính chất, mức độ của hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra những vụ tai nạn thương tâm.
Tự chế pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong ảnh: Các loại pháo, dụng cụ, hóa chất để chế tạo pháo được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.
Ngày 3-1-2025, tại tỉnh Gia Lai xảy ra vụ việc thương tâm khi em V.Ð.P (sinh năm 2010) đã tự chế pháo nổ từ nguyên liệu mua trên mạng và rủ thêm N.T.D, T.Q.T, N.M.T (cùng sinh năm 2013) đến xem. Cả 4 em đều là học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Nghe tiếng nổ lớn vang lên, người dân xung quanh chạy ra và phát hiện 4 nam sinh bị thương nghiêm trọng. Người thân lập tức đưa các em đến Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cấp cứu.
Trước đó, ngày 7-12-2024, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Ðồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã tiếp nhận 4 học sinh (độ tuổi 13-14), cùng trú xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nhập viện cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng, sưng phù toàn bộ vùng mặt và tay chân, đa chấn thương cơ thể do các em tự tìm hiểu và chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng xã hội.
Việc tàng trữ, tự chế pháo nổ tại nhà không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm đến tính mạng mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định: người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3-10 năm: có tổ chức; thuốc nổ các loại từ 10kg đến dưới 30kg; các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn; vận chuyển, mua bán qua biên giới; làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7-15 năm: thuốc nổ các loại từ 30kg đến dưới 100kg; các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn; làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122-200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng.
Người phạm tội có thể bị phạt tù 15-20 năm hoặc tù chung thân khi thuộc các trường hợp: thuốc nổ các loại 100kg trở lên; các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn; làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.
Trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép phụ kiện nổ; chiếm đoạt phụ kiện nổ; đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; cưa, cắt, đục hoặc thực hiện các thao tác khác để tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi và các loại vũ khí khác trái phép; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức... Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
HOÀNG YẾN (Tổng hợp)