04/07/2021 - 08:23

Truyền hình châu Á lên ngôi 

Châu Á đang có sức hút mạnh mẽ trong ngành công nghiệp giải trí toàn cầu. Không chỉ điện ảnh, lĩnh vực truyền hình ở châu Á cũng đang được biết đến nhiều hơn qua các nền tảng trực tuyến ở khu vực này.

Phim “Encounter” bản Philippines

Theo dữ liệu từ Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc, thị trường OTT (các ứng dụng và nội dung được cung cấp trên nền tảng Internet) tại Hàn Quốc tăng trưởng hơn 23% trong năm 2020 so với năm trước đó. Với sự bùng nổ các dịch vụ OTT, việc sản xuất phim truyền hình tại Hàn Quốc cũng được đẩy mạnh hơn và tiếp cận rộng hơn đến các thị trường tiềm năng. Nhiều phim như: “Crash Landing On You”, “Itaewon”, “Uncanny Counter”… không chỉ bùng nổ ở xứ Kim Chi mà còn tạo được hiệu ứng trên thị trường quốc tế. Những phim này đều đứng trong top 10 phim hàng đầu trên nền tảng Netflix ở châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu.

Trước đó, theo báo cáo của Viện Phát triển Xã hội Thông tin Hàn Quốc, xuất khẩu phim truyền hình Hàn Quốc năm 2019 đạt hơn 273 triệu USD, tăng 11% so với năm trước. Thành công này đánh dấu bằng việc hàng loạt phim truyền hình Hàn Quốc được các quốc gia mua bản quyền và chuyển thể làm lại. Cụ thể, Philippines đã mua và làm lại “Encounter” (2018) phát sóng vào tháng 3-2021, trong khi Thái Lan đã sản xuất lại “Let’s Fight, Ghost” thành công với tỷ suất người xem rất cao. Trung Quốc cũng đã mua bản “Clean With Passion For Now” chuyển thể thành “Use For My Talent” phát vào tháng 5-2021. Phim hài “She Was Pretty” và phim kinh dị “Vocie 2” cũng đã có phiên bản Nhật và dự kiến lên sóng vào tháng 7 này.

Không riêng thị trường châu Á, phim truyền hình Hàn Quốc cũng đang có sức hút ở thị trường Mỹ. Hàng loạt nội dung phim Hàn Quốc đang được chuyển nhượng cho Mỹ để làm lại. Cụ thể, “Trap” được làm lại với tên mới là “The Club” vẫn do diễn viên Hàn Quốc đóng, đã được nhà sản xuất khởi động. Một tác phẩm khác là “W: Two Worlds Apart” cũng sắp có phiên bản tiếng Anh. Giới chuyên gia cho rằng phim truyền hình xứ Kim Chi có sức hút về nội dung, cốt truyện chặt chẽ và sáng tạo, nhân vật đa dạng. Nhà phê bình Yun Suk Jin đánh giá: “Phim truyền hình Hàn Quốc có những nút thắt kịch tính khiến người xem có cảm giác như đi tàu lượn cảm xúc”. Ông cũng cho rằng phim truyền hình Hàn Quốc ngày nay được làm tốt hơn trước kia và giá trị của nó cũng được nhìn nhận khác hẳn. Trước đây, phim truyền hình bị xem không bằng phim điện ảnh, nhưng hiện nay thì không, vì phim truyền hình đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc lập, có chất lượng không thua kém tác phẩm điện ảnh. “Ngày nay, chúng ta thấy nhiều câu chuyện đa dạng và nội dung chất lượng hơn, thúc đẩy thị trường phát triển hơn”, Yun Suk Jin nhìn nhận.

Kim Min Young, Phó Chủ tịch phụ trách nội dung Netflix ở Hàn Quốc, cho rằng nội dung giải trí của phim truyền hình Hàn Quốc nổi bật ở việc chú ý đến từng chi tiết, trong đó “điểm mạnh lớn nhất chính là rất giỏi trong việc giúp khán giả cộng hưởng và liên hệ đến phim bằng cách có thể miêu tả cảm xúc đến từng chi tiết”.

Các nền tảng trực tuyến cũng đã trợ giúp rất nhiều cho phim truyền hình Hàn Quốc tiếp cận các thị trường mới. Theo báo cáo của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, khán giả ở châu Á và châu Mỹ đều thích những phim tình cảm lãng mạn, bi kịch. Tuy nhiên, hai thị trường này cũng có điểm khác nhau, khi khán giả châu Á có khuynh hướng tìm kiếm những phim kịch tính, khơi dậy cảm xúc chân thành, trong khi khán giả phương Tây tập trung nhiều hơn vào diễn biến của những tình tiết. Một đại diện từ Studio Dragon, chi nhánh sản xuất phim của tập đoàn truyền thông khổng lồ CJ ENM, cho rằng sức hút ở phim truyền hình Hàn chính là văn hóa khác biệt và điều đó tạo được sự thành công khi làm lại. Vì thế, việc bán bản quyền nội dung phim Hàn Quốc cũng phát triển mạnh. Năm ngoái, Studio Dragon đã kết nối với nhiều đơn vị tại Mỹ để bán bản quyền và làm lại phim Hàn, như: “Hotel Del Luna”, “The Big Door Prize”…

Không chỉ Hàn Quốc, phim truyền hình Trung Quốc cũng đang mở rộng thị trường đáng kể, trong đó được đầu tư trong nhiều năm qua là thị trường Ðông Nam Á. Thực tế, phim truyền hình Trung Quốc đã có chỗ đứng ở thị trường này và đang dần mở rộng sang một số thị trường lân cận. Trung Quốc cũng đang tăng cường hợp tác với Hàn Quốc trong việc phát triển các nội dung về châu Á trên nền tảng trực tuyến. “Nothing But Thirty” - bản phim truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc đã được Hàn Quốc mua bản quyền và làm lại, trong khi Nhật cũng đã mua “A Smile Beautiful” của Trung Quốc để làm bản mới là “Cinderella Is Online”. Tom Coombs, đồng Giám đốc điều hành Harvest Pictures ở Úc, nhìn nhận Trung Quốc có tiềm năng lớn về các nhân vật dân gian và điều này tạo được sức hút đầu tư. Ví như Harvest Pictures đang sản xuất “Girl Of Ashima” khai thác nội dung này.

Alice Leung, Tổng Giám đốc phân phối quốc tế của iQiyi, cho rằng: “Ngày càng có nhiều đơn vị tiếp cận chúng tôi để mua các nội dung phim truyền hình Trung Quốc. Họ muốn mang nó phát trên các nền tảng trực tuyến và điều này tạo sự lan tỏa cho phim Trung Quốc tiếp cận các thị trường”. Các nhà làm phim Trung Quốc cũng đang đa dạng hóa nội dung hơn để có thể tiếp cận được các thị trường phương Tây. Theo đó, thành công hiện nay chính là phim hoạt hình “Deer Squad” của iQiyi đã tiếp cận được thị trường Anh, Mỹ.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Korea Time, South China Morning Post)    

Chia sẻ bài viết