13/02/2024 - 12:06

Trung tâm kết nối giao thông vùng 

TP Cần Thơ phát huy tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, từ đường bộ, đường thủy đến bến cảng và tương lai là đường sắt tăng cường kết nối vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Sự chuyển động mạnh mẽ về hạ tầng giao thông là nền tảng khai phóng các dư địa để TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung phát triển đột phá trong kỳ tăng trưởng mới…

Thời gian qua, Trung ương đã quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Nút giao IC 3 Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA

Động lực phát triển mới

Tháng 6-2023, tuyến cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng chính thức khởi công trong sự hân hoan và đầy kỳ vọng của người dân ÐBSCL. Bởi đây là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên ở ÐBSCL, có chiều dài 188km, đi qua 4 tỉnh, thành là An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang. Khi hoàn thành đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực, kết nối với TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “Dự án quan trọng cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được đầu tư là điều kiện tiên quyết giúp TP Cần Thơ sớm hoàn thành nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 59-NQ/TW và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 98/NQ-CP về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: với mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trong đó thực hiện nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Ðể có thể hoàn thành dự án, TP Cần Thơ đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ; UBND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, cùng thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và có sự đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả khai thác trên toàn tuyến cao tốc”.

Với quyết tâm làm thay đổi hệ thống giao thông vùng ÐBSCL tạo động lực phát triển mới, Trung ương luôn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ kết nối vùng ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh, miền Ðông Nam Bộ và cả nước. Nhất là triển khai xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng ÐBSCL. Theo Bộ Giao thông vận tải, về quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc, khu vực ÐBSCL đã hoạch định đến năm 2050 có 1.180km/9.014km của cả nước, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 6 tuyến cao tốc (3 trục dọc và 3 trục ngang); trong đó đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm hơn 420km. Ðến thời điểm hiện nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Mỹ Thuận - Cần Thơ. Riêng TP Cần Thơ 2 dự án cao tốc đi qua, đang triển khai xây dựng gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Ðông (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) dài 109km và cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 hứa hẹn phát huy vai trò đầu mối giao thông của vùng…

Công trường xây dựng cầu Ba Láng thuộc dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ. Ảnh: TUYẾT TRINH

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết: “Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: Ðến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Ðông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, Bắc - Nam phía Tây, TP Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh…”.

“Mắt xích” liên kết

Trong bức tranh giao thông của TP Cần Thơ, phần không thể thiếu là nội dung hoạch định, tổ chức không gian kinh tế để phát huy tốt nhất lợi thế các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc, cầu, cảng… mang lại. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ: Giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông, nhằm tăng cường kết nối với các dự án được Trung ương đầu tư trên địa bàn và vùng ÐBSCL. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập ban chỉ đạo, các tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai các dự án này...

Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải hơn 11.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 45% ngân sách cấp thành phố quản lý. Trong đó, có thể kể đến đường Vành đai phía Tây dài khoảng 19,4km đang triển khai thực hiện 4/7 gói thầu. Tuyến có điểm đầu nối quốc lộ 91 tại quận Ô Môn, đi qua các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Ðiền, Ninh Kiều và Cái Răng nối vào quốc lộ 61C. Không chỉ mở không gian phát triển cho các quận, huyện, tuyến đường sẽ hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của thành phố, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và của vùng ÐBSCL như quốc lộ 91, quốc lộ 61C, quốc lộ 1A tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn. Thành phố triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923, 917, 918, 921… hình thành kết cấu hạ tầng giao thông đô thị hợp lý hoàn chỉnh, an toàn và thông suốt.

Sắp tới, thành phố đề xuất nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C (đoạn trên địa bàn TP Cần Thơ), tạo động lực hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ, kết nối với các tỉnh trong khu vực. Ảnh: TUYẾT TRINH

Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng, góp phần kết nối giao thông, tạo không gian phát triển, thành phố rà soát, đề xuất các phương án khả thi, hiệu quả để huy động nguồn vốn triển khai thực hiện các dự án, bao gồm vay ODA, xem xét phương án huy động từ các tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu… để triển khai thực hiện. Sắp tới, thành phố xây dựng mới tuyến đường liên tỉnh Sa Ðéc (Ðồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) và cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu; nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 91 đoạn Km0 - Km7 trên địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C (đoạn trên địa bàn TP Cần Thơ)…

Đa phương thức kết nối

Phát huy lợi thế sông ngòi, kênh rạch chằng chịt đặc trưng của vùng ÐBSCL, Cần Thơ ưu tiên đẩy mạnh phát triển hệ thống đường thủy nội địa. Theo quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố định hướng sẽ nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa lớn quan trọng của thành phố. Ðồng thời, nạo vét, duy tu, mở rộng các tuyến đường thủy nội địa còn lại để tăng cường vai trò vận tải thủy trên địa bàn các quận, huyện. Cần Thơ cũng định hướng quy hoạch, xây dựng các cảng thủy nội địa hàng hóa lớn, trọng điểm trên sông Hậu, kênh Xà No, kênh Cái Sắn, sông Ô Môn, kênh Thị Ðội - Ô Môn. Ngoài ra, phát triển các cảng thủy nội địa hành khách lớn, trọng điểm trên sông Hậu, sông Cần Thơ và một số tuyến khác…

Thời gian qua hệ thống cảng biển đã và đang được đầu tư xây dựng nâng cấp theo Quy hoạch nhóm cảng biển số 6 của Bộ Giao thông vận tải. Cụm cảng trung tâm Cần Thơ gồm khu bến Hoàng Diệu và khu bến Cái Cui, khu bến Trà Nóc, bến cảng Thốt Nốt cơ bản đáp ứng cho tàu có trọng tải đến 20.000 tấn. Dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu đã hoàn thành và thông luồng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa bằng đường hàng hải. Luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ đang triển khai thực hiện nhằm bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng biển trên địa bàn TP Cần Thơ. Khi hoàn thành giải quyết điểm nghẽn về logistics của cả vùng hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng ÐBSCL trong tương lai.

Không chỉ vậy, Bộ Giao thông vận tải phối hợp các địa phương xây dựng báo cáo tiền khả thi dự án tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Theo thiết kế, tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài 175,2km với 13 ga trên tuyến, đi qua 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ (dài khoảng 8km). Ðiểm đầu ở ga An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương và điểm cuối tại ga Cần Thơ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ðường sắt theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, tàu khách có tốc độ tối đa là 200 km/giờ, tàu hàng là 120 km/giờ. Ông Ðặng Minh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam, đại diện liên danh tư vấn, cho biết: Theo kế hoạch dự kiến cuối năm 2023 hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Ðến năm 2025 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai trước năm 2030, xây dựng hoàn thành trước năm 2035.

Tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ có vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ. Kỳ vọng về dự án, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, chia sẻ: Vận tải đường sắt vận chuyển khối lượng rất lớn, tuyến này còn được thiết kế tàu chở khách và cả chở hàng, khi hoàn thành đưa vào sử dụng ÐBSCL có thêm phương thức vận tải mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Bên cạnh đó, mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (Transit Oriented Development - TOD) là phương thức rất mới, đây là cơ hội không đơn giản có được. Thành phố quy hoạch và dành quỹ đất phát triển TOD xung quanh vị trí các nhà ga để có thể phát huy và tận dụng tối đa ưu thế của tuyến đường sắt khi được hoàn thành…

Khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2

Cầu Mỹ Thuận 2 là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, nhằm thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển. Ảnh: ANH KHOA

Cuối năm 2023, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ dài 120km. Hai dự án hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ 3,5 giờ xuống chỉ còn hơn 2 giờ, dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và TP Cần Thơ nói riêng.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 có chiều dài tuyến 23km; dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài 6,61km. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cầu Mỹ Thuận 2 có nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350m, tĩnh không thông thuyền 37,5m, bề rộng mặt cầu 28m (gồm 6 làn xe) lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.

ANH KHOA

ANH KHOA - TUYẾT TRINH

 

Chia sẻ bài viết