02/08/2012 - 22:04

Trung Quốc vơ vét tài nguyên Biển Đông

Ngay sau lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp trên Biển Đông được bãi bỏ từ giữa trưa 1-8, hàng chục ngàn tàu đánh cá từ tỉnh Hải Nam và Quảng Đông của Trung Quốc ồ ạt ra khơi vơ vét nguồn lợi thủy sản được đánh giá khổng lồ trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Xua hơn 23.000 tàu cá ra Biển Đông

 Tàu đánh cá của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: AP 

Theo Trung hoa Nhật báo, từ thành phố cảng Dương Giang phía Tây tỉnh Quảng Đông, hơn 1.000 tàu đánh cá đã bắt đầu ra khơi lần đầu tiên sau 2 tháng rưỡi nằm bờ. Ngày xuất bến được làm lễ tiễn hẳn hoi với sự có mặt của ông Liu Kun, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông. Vị lãnh đạo này cho biết đã có hơn 14.000 tàu cá đăng ký tại tỉnh Quảng Đông trực chỉ Biển Đông trong ngày 1-8.

Tại tỉnh Hải Nam, giới chức ngành thủy sản cho biết có khoảng 9.000 tàu đánh cá với 35.611 ngư dân sẽ đổ ra Biển Đông trong nay mai. Một thuyền trưởng tên là Lin Lijin cho biết tàu đánh cá của anh ta có kế hoạch ra khơi xa từ ngày 4-8. Lin nói: “Trong 2 tháng rưỡi qua, các loại cá chắc đã lớn lắm. Hàng năm chúng tôi có thể thu hoạch 10-20 tấn cá sau khi lệnh cấm được bãi bỏ”. Riêng tàu đánh cá Qionghai 03898 có tải trọng 110 tấn đã bắt đầu ra khơi từ chiều 1-8. Chủ tàu này là Chen Yiping cho biết từ nhiều ngày qua, các thủy thủ đã chuẩn bị đầy đủ lương thực và rau quả cho chuyến đánh bắt kéo dài khoảng 1 tháng. Chen cho hay tại vùng biển đảo Phú Lâm dễ đánh bắt các loại thủy sản có giá trị cao như tôm hùm, cá vây tròn. Cá ở đây cũng thường có trọng lượng lớn hơn. Anh ta còn mơ mộng thành phố mới do Bắc Kinh dựng lên phi pháp trên hòn đảo này sẽ có nhà máy chế biến để giúp ngư dân như anh ta tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Chưa hết, ngư dân tỉnh miền Đông Phúc Kiến của Trung Quốc dự kiến cũng sẽ tham gia đánh bắt cá ở Biển Đông sau khi cơn bão Saola đi qua vào ngày 4-8.

Giới học giả và nghiên cứu quốc tế đã xác nhận đảo Phú Lâm và vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa là chủ quyền có đầy đủ chứng cứ lịch sử của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Vì vậy, việc ngư dân Trung Quốc tăng cường đánh cá tại khu vực này là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, nếu không muốn nói là hành vi giành giật trắng trợn, vơ vét tài nguyên quốc gia có chủ quyền.

Theo Tân Hoa Xã, các quan chức ngành thủy sản tỉnh Hải Nam ước tính sản lượng cá ở khu vực “thành phố Tam Sa” có khoảng 5 triệu tấn cá, nhưng ngư dân của họ chỉ khai thác được 80.000 tấn mỗi năm. Để có thể tận thu ngần ấy cá, một quan chức thủy sản tên là Ding Xiuhong ở thành phố Tam Á tuyên bố ngư dân sẽ được khuyến khích đóng các con tàu khổng lồ để đi đánh bắt xa bờ và khai thác cá dưới biển sâu. Hôm 29-7 vừa qua, một hạm đội 30 tàu cá lớn nhất trong lịch sử Hải Nam, trong đó có tàu hậu cần 3.000 tấn, đã trở về đất liền sau 18 ngày ra khơi với hải trình dài 3.268km. Giới chức thủy sản địa phương tuyên bố đây là bước đánh dấu khởi đầu cho quá trình đánh bắt cá xa bờ của ngư dân Trung Quốc.

Dã tâm “hút” cạn dầu khí Biển Đông

Theo hãng tin Anh Reuters ngày 1-8, việc Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia của Trung Quốc (CNOOC) đang mời các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu 9 lô dầu khí trải dài 160.000 km trên Biển Đông là nhằm tìm kiếm kinh nghiệm và khả năng khai thác dưới đáy biển sâu. Tuy nhiên sẽ khó có công ty nước ngoài nào lại muốn dính líu đến dự án tại khu vực nằm quá xa lãnh hải của Trung Quốc và lại thuộc chủ quyền của nước khác.

Có điều, CNOOC vừa hạ thủy giàn khoan khổng lồ gần Hồng Công như là động thái chuẩn bị đưa đến vùng nước sâu Biển Đông. Công ty này có thể “hút” dầu khí theo yêu sách “đường chín đoạn” (hay còn gọi là Đường lưỡi bò) mà Trung Quốc tự vẽ ra để liếm trọn Biển Đông, nơi mà theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, có từ 28-213 tỉ thùng dầu và ít nhất 3,39 ngàn tỉ mét khối khí đốt quy ước chưa được phát hiện.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết