31/08/2015 - 22:04

Trung Quốc và cuộc phô diễn sức mạnh quân sự

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2, vào hôm 3-9 tới.

Như những thông tin gần đây, 12.000 là số binh sĩ lực lượng Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tham gia lễ duyệt binh trên Đại lộ Trường An tại quảng trường Thiên An Môn. Đáng chú ý còn có sự xuất hiện của khoảng 100 đến 200 máy bay và gần 500 thiết bị quân sự khác. Theo tiết lộ của một quan chức chính phủ Trung Quốc, 84% số vũ khí này "chưa từng được giới thiệu trước công chúng".

Lễ duyệt binh của Trung Quốc nhân ngày Quốc khánh hồi năm 2009. Ảnh: Guardian

 

Trong bài viết đặc biệt gởi trang CNN của Mỹ, chuyên gia cao cấp Tate Nurkin thuộc tạp chí quốc phòng IHS cho rằng mục tiêu của Trung Quốc tại lễ duyệt binh hoành tráng lần này không chỉ gồm thông điệp về sức mạnh vốn là kết quả chương trình hiện đại hóa quân đội mà còn phô bày tham vọng của Bắc Kinh đối với các tuyên bố lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Theo người đứng đầu Học viện An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Canberra (Úc) Rory Medcalf, thông điệp rõ ràng nhất mà Bắc Kinh muốn truyền tải đó là: "Trung Quốc là một cường quốc hiện đại không thể đùa bỡn". Nhưng điều này dường như không thích hợp với bầu không khí bất an trong khu vực vốn xuất phát từ những động thái phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây.

Trước đó, Tân Hoa xã lưu ý quy mô và số lượng tên lửa tham gia đợt diễu hành lần này "hơn hẳn" những lần xuất hiện trước đây. Hiện đang có nhiều suy đoán hệ thống tên lửa sẽ được trình diễn nhưng phần lớn nhắm đến tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-16 mới được Trung Quốc phát triển và tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D (ASBM) vốn được mệnh danh "sát thủ tàu sân bay". Tuy tình trạng hoạt động của DF-21D đến nay vẫn chưa rõ ràng nhưng với mục tiêu chống hạm, đặc biệt nhằm vào tàu sân bay thì đây sẽ là loại vũ khí có khả năng thay đổi cán cân quân sự giữa Trung Quốc với Mỹ.

Một trong những yếu tố khác khiến giới quan sát ở Washington và khu vực Tây Thái Bình Dương quan tâm là nền tảng không quân của Trung Quốc. Nổi bật hơn hết là 2 chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20 và J-31. Ngoài ra, thiết bị quân sự được đồn đoán nhiều nhất còn bao gồm máy bay ném bom mới J-18 có thể cất và hạ cánh trên tàu sân bay, máy bay tuần tra săn ngầm mới phát triển Y-8GX6 dựa trên máy bay vận tải quân sự Y-9.

Theo hãng tin Bloomberg của Mỹ, hoạt động kỷ niệm trên còn là cơ hội để Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012 cho thế giới thấy vai trò lãnh đạo lực lượng quân đội vốn tự hào có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai trên thế giới. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng đây còn là "tấm bình phong" giúp chính quyền Bắc Kinh đánh lạc hướng chú ý dư luận về một nền kinh tế đang chậm lại, những biến động trên thị trường chứng khoán và bê bối từ vụ nổ kho hóa chất ở Thiên Tân.

Theo quan sát của Giáo sư kinh tế chính trị Hu Xingdou thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh, cuộc diễu hành là một cách để ông Tập củng cố quyền lực. Cụ thể trên phương diện đối nội, hoạt động này mang hàm ý chứng minh tính đoàn kết và sức mạnh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Về đối ngoại, ông muốn sử dụng các cuộc diễu hành như một tuyên bố về vị thế chính trị đang lên của Trung Quốc trên trường quốc tế. Tuy nhiên, thách thức của Chủ tịch Tập Cận Bình là làm sao vừa khẳng định sức mạnh lại vừa trấn an thế giới về cam kết tăng cường hòa bình của Trung Quốc.

MAI QUYÊN (Theo CNN, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết