06/03/2018 - 07:49

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 

Trung Quốc sẽ tăng 8,1% ngân sách quốc phòng lên 175 tỉ USD trong năm tài khóa 2018, theo báo cáo ngân sách được tiết lộ trước thềm kỳ họp thứ năm Quốc hội Trung Quốc khóa XII khai mạc hôm 5-3. Trung Quốc hiện là quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

Quân đội Trung Quốc trong một lễ duyệt binh hồi năm ngoái. Ảnh: China Daily
Quân đội Trung Quốc trong một lễ duyệt binh hồi năm ngoái. Ảnh: China Daily

Như vậy, chi tiêu quân sự Trung Quốc năm 2018 tăng cao hơn so với mức tăng 7% hồi năm ngoái và 7,6% của năm 2016. Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết mục tiêu của Bắc Kinh là “đẩy mạnh phát triển mọi khía cạnh huấn luyện quân sự và sẵn sàng tác chiến”. Theo cam kết trước đó của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ sở hữu lực lượng quân đội “đẳng cấp thế giới” vào năm 2050.

Động thái này diễn ra giữa lúc Mỹ và các nước trong khu vực đang thận trọng xác định mục tiêu chiến lược của cường quốc châu Á dựa trên kế hoạch hiện đại hóa quân đội. Theo những gì đã công bố, Bắc Kinh sẽ giảm qui mô quân đội xuống còn 2 triệu binh sĩ, đồng thời tăng cường đầu tư phát triển các thiết bị và vũ khí tối tân. Trong đó, Trung Quốc dành phần lớn nguồn lực để phát triển chiến lược phòng thủ “Chống tiếp cận/chống xâm nhập-A2/AD” nhằm đối phó mối đe dọa từ Hải quân Mỹ cùng một số quốc gia khác.

Hiện tại, ngoài tàu sân bay Liêu Ninh được mua và tân trang lại từ Ukraine, Trung Quốc tháng 4-2017 đã hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên và tiếp tục đóng tàu sân bay thứ 3. Cùng với đội tàu ngầm số lượng gần gấp đôi Mỹ, gần đây có thông tin Bắc Kinh đang lên kế hoạch phát triển tàu sân bay năng lượng hạt nhân vào năm 2025 nhằm cải thiện năng lực hải quân. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bắt đầu tập trung vào năng lực kiểm soát và chiến đấu trên không với việc triển khai chiến đấu cơ tàng hình J-20 do nước này chế tạo. Đầu tháng rồi, Bắc Kinh tiếp tục đưa vào hoạt động phiên bản mới của tên lửa DF-21D. Hiện Trung Quốc còn đang thử nghệm tên lửa đất đối không mới với tầm bắn lên tới 400km, có khả năng tấn công máy bay cảnh báo sớm và tiếp nhiên liệu vốn rất quan trọng đối với các hoạt động của Không quân Mỹ. Song song cải tiến công nghệ, lực lượng vũ trang Trung Quốc không ngừng tăng cường sự hiện diện và mở rộng phạm vi hoạt động trên các vùng biển quốc tế. Kể từ năm 2008, Hải quân Trung Quốc bắt đầu tham gia hoạt động chống hải tặc ở Somalia và Vịnh Aden. Năm ngoái, Bắc Kinh chính thức đưa vào hoạt động căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti. Đặc biệt gần đây, Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong các tranh chấp ở Biển Đông, đối đầu với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông và với Ấn Độ liên quan tình hình biên giới.

Về tham vọng và tốc độ phát triển quân sự của Bắc Kinh, giới phân tích cho đây là tín hiệu đáng báo động đối với khu vực khi ngân sách quốc phòng Trung Quốc tiếp tục mở rộng. Điều này được dự đoán sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn do Mỹ chiếm ưu thế.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết