02/04/2023 - 09:30

Trung Quốc “sánh vai” IMF, trở thành bên cho vay cuối cùng 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Mỹ là các bên cho vay cuối cùng của thế giới. Mỗi bên đều có ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Giờ đây, một đối thủ “nặng ký” mới đã xuất hiện trong việc cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho các quốc gia đang chìm trong nợ nần, không ai khác đó chính là Trung Quốc.

Công nhân Sri Lanka tham gia xây dựng công trình do Trung Quốc “tài trợ”. Ảnh: NYT

Cạnh tranh với cả IMF và Mỹ

Dữ liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang cung cấp nhiều khoản vay khẩn cấp hơn bao giờ hết cho các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina hay Sri Lanka. Ðáng chú ý, Bắc Kinh đã và đang “giúp đỡ” các quốc gia có tầm quan trọng địa chính trị, có vị trí chiến lược hoặc sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên. Nhiều nước thậm chí vay nặng lãi từ Trung Quốc trong nhiều năm để chi trả cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng hoặc các dự án khác.

Mặc dù chưa bằng IMF nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp quỹ này. Theo một nghiên cứu mới của tổ chức chuyên theo dõi viện trợ phát triển quốc tế AidData, Trung Quốc hồi năm 2021 đã cho các nước gặp khó khăn về tài chính vay 40,5 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với con số chỉ 10 tỉ USD hồi năm 2014. Trong khi đó, IMF hồi năm 2021 cho các nước như vậy vay 68,8 tỉ USD.

Về phần mình, khoản cho vay giải cứu lớn gần đây nhất mà Bộ Ngân khố Mỹ dành cho một quốc gia có thu nhập trung bình là khoản tín dụng trị giá 1,5 tỉ USD dành cho Uruguay vào năm 2002. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn cung cấp các khoản tài trợ ngắn hạn cho các nước công nghiệp hóa khác khi họ cần thêm tiền trong vài ngày hoặc vài tuần.

Giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc trong vai trò là bên cho vay cuối cùng phản ánh vị thế đang lên của Bắc Kinh với tư cách là một siêu cường kinh tế vào thời điểm toàn cầu suy yếu; hàng chục quốc gia đang phải vật lộn để trả nợ và nhiều nước bị đẩy đến bờ vực phá sản.

Cho vay với lãi suất cao

Vai trò mới của Bắc Kinh cũng là kết quả tự nhiên của sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI), dự án tiêu biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm phát triển quan hệ địa chính trị và ngoại giao thông qua các nỗ lực tài chính và thương mại. Tổng cộng, Trung Quốc đã cho 151 quốc gia có thu nhập thấp vay 900 tỉ USD, chủ yếu là để xây dựng đường cao tốc, cầu, đập thủy điện và các cơ sở hạ tầng khác, khiến giới chức Mỹ cáo buộc nước này thực thi “ngoại giao bẫy nợ”. Theo đó, khi các nước để vay được tiền từ Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đã phải “thế chấp” bằng cảng biển, mỏ khoáng sản hoặc những tài sản có giá trị khác.

Nghiên cứu mới đây cho thấy, mức lãi suất đối với tín dụng khẩn cấp mà Trung Quốc dành cho các nước có thu nhập trung bình đang gặp khó khăn về tài chính thường là 5%, cao hơn nhiều so với mức lãi suất 2% mà IMF tính cho các khoản vay. Trong giai đoạn 1990-2002, Bộ Ngân khố Mỹ đã tính lãi suất gần bằng với Trung Quốc ở mức 4,8%. Gần đây, FED đã tính lãi suất ở khoảng 1% đối với các khoản vay ngắn hạn dành cho các nước công nghiệp khác. Ðặc biệt, hơn 90% các khoản cho vay khẩn cấp của Trung Quốc vào năm 2021 là đồng nhân dân tệ. Khi vay đồng nhân dân tệ từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, các “con nợ” sau đó giữ đồng nhân tệ trong kho dự trữ quốc gia trong khi dùng đồng USD để trả nợ nước ngoài. Ðộng thái tài chính như vậy buộc các nước xích lại gần Trung Quốc hơn, vì đồng nhân dân tệ khó chi tiêu ngoại trừ được dùng để mua hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc.

Chia sẻ bài viết