23/09/2019 - 09:32

Trung Quốc mở rộng hiện diện ở Nam Cực 

Bộ Ngoại giao Chile mới đây cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán với nước này xung quanh việc sử dụng cảng chiến lược Punta Arenas để vận chuyển nhân sự và vật liệu phục vụ cho các chương trình thám hiểm ở Nam Cực.

► Tham vọng cường quốc địa cực toàn cầu

Động thái trên của Trung Quốc khiến giới phân tích nhận định rằng Bắc Kinh có thể thúc đẩy hoạt động thăm dò của mình tại khu vực. Chuyên gia Hu Zhiyong tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải đánh giá, cảng Punta Arenas vốn nằm trên eo biển Magellan sẽ là điểm xuất phát lý tưởng cho các tàu thám hiểm Trung Quốc hướng đến Nam Cực. Còn theo chuyên gia Elizabeth Buchanan tại Đại học Quốc gia Úc, việc tiếp cận cảng Punta Arenas có thể mang lại cho Bắc Kinh nhiều lựa chọn hơn về nơi triển khai các hoạt động ở Nam Cực, bởi Punta Arenas gần Nam Cực hơn Hobart (Úc) và là cửa ngõ quan trọng cho các tàu Trung Quốc đến Nam Cực. Ông Buchanan cho rằng thông qua mối quan hệ gần gũi với các nước lớn ở Nam Cực như Chile và Úc, Trung Quốc có thể tạo được đòn bẩy chính trị tại khu vực và điều này có thể giúp Bắc Kinh thực hiện tham vọng thiết lập vị thế của một "cường quốc địa cực toàn cầu".

Dù Trung Quốc không có bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào đối với Nam Cực nhưng Bắc Kinh từ lâu đã tăng cường sự hiện diện của mình ở đó. Đáng chú ý là vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình trong một tuyên bố khẳng định thăm dò Nam Cực là một lĩnh vực phát triển quan trọng để đối phó với biến đổi khí hậu. Năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố sẽ sớm bắt đầu xây dựng sân bay cố định đầu tiên ở Nam Cực, với đường băng dài 1,5km nằm trên một tảng băng ở phía Đông, cách trạm nghiên cứu Trung Sơn khoảng 28km. Được biết, giới địa chất Trung Quốc đã mất một năm nghiên cứu và quan trắc sự thay đổi của mặt băng để chọn địa điểm xây sân bay. Các chuyên gia cũng đặt thiết bị theo dõi khí tượng trước khi máy móc hạng nặng được đưa đến để nén lớp đất đóng băng vĩnh cửu làm đường băng. Theo tờ Science and Technology Daily, sân bay mới sẽ phục vụ các máy bay lớn hơn cũng như xây dựng mạng lưới giao thông hàng không ở Nam Cực trong tương lai.

Trạm nghiên cứu Côn Lôn của Trung Quốc ở Nam Cực. Ảnh: SCMP

► Nguy cơ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 4 nói rằng Bắc Kinh đã có những "cuộc đàm phán mở" với các quốc gia khác để biến khu vực Vòm Argus của Nam Cực  thành Khu quản lý đặc biệt Nam cực. Hiện Bắc Kinh có sự hiện diện lớn nhất tại Vòm Argus và là quốc gia đầu tiên đặt chân đến vùng đồng bằng tuyết xa xôi ở độ cao 4.093m so với mực nước biển trong một cuộc thám hiểm vào năm 2005.

Trước đó, Trung Quốc đã xây dựng 2 sân bay tạm thời ở Nam Cực và 4 trạm nghiên cứu, trong đó có 2 trạm thường trực là  Trường Thành và Trung Sơn, và 2 trạm hoạt động theo mùa gồm Côn Lôn và Đài Sơn. Hiện trạm nghiên cứu thứ 5 tại Bắc Cực đang được Trung Quốc xây dựng.

Trước các dự án rầm rộ của Trung Quốc ở Nam Cực, giới phân tích cảnh báo về khả năng nước này có thể tuyên bố chủ quyền tại khu vực giàu dầu mỏ và khoáng sản này. Trung Quốc đã gia tăng lợi ích  của mình kể từ khi gia nhập Hiệp ước Nam Cực năm 1983 và hiện giữ quy chế tham vấn có quyền bỏ phiếu trong Hệ thống Hiệp ước Nam Cực. Hiệp ước Nam Cực được ký kết năm 1959 không công nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào tại đây nhưng Úc, Argentina, Chile, Pháp, New Zealand, Na Uy và Anh đều đơn phương đưa ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn một số khu vực. Năm 1908, Anh là nước đầu tiên tuyên bố chủ quyền tại Nam Cực. Theo Giáo sư Donald Rothwell thuộc Trung tâm luật quân sự và an ninh Úc, tình hình sẽ càng thêm phức tạp nếu có thêm một bên mới nhảy vào Nam Cực và sẽ ảnh hưởng xấu đến công cuộc bảo tồn cũng như khai thác bền vững tại vùng cực Nam Trái đất.

TRÍ VĂN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết