Trung Quốc mới đây ban hành lệnh cấm tiêu thụ, chăn nuôi động vật hoang dã và có hiệu lực ngay lập tức, sau khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Mặc dù chưa rõ động vật nào trong số dơi, rắn… đã truyền chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) sang người, Trung Quốc thừa nhận cần kiểm soát ngành chăn nuôi động vật hoang dã tại nước này nếu muốn phòng tránh một đợt bùng phát dịch bệnh khác. Giới chuyên gia y tế công cộng đánh giá lệnh cấm tạm thời trên là bước đi quan trọng đầu tiên, song cũng kêu gọi Bắc Kinh nhân cơ hội quý báu này hãy khắc phục một số khuyết điểm và bắt đầu thay đổi thói quen của người dân về việc tiêu thụ động vật hoang dã.
Tuy nhiên, cấm mua bán động vật hoang dã sẽ không hề dễ. Dân Trung Quốc có truyền thống dùng động vật hoang dã không chỉ để ăn mà còn làm thuốc trong y học cổ truyền, may mặc, đồ trang trí và thậm chí thú cưng. Thật ra, đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh nỗ lực cắt “cơn thèm” động vật hoang dã. Năm 2003, thời điểm bùng phát Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) khiến gần 650 người tử vong, hoạt động mua bán cầy hương (ảnh) đã bị cấm sau khi có bằng chứng cho thấy nó có thể là thủ phạm truyền virus sang người. Thành phố Quảng Châu sau đó cũng cấm luôn buôn bán rắn.
Dù vậy, ngày nay những món ăn được chế biến từ động vật hoang dã vẫn hiện diện trên bàn ăn tại nhiều vùng ở Trung Quốc. Annie Huang đến từ tỉnh Quảng Tây cho biết cô và gia đình thường xuyên đi ăn tại các nhà hàng phục vụ các món từ động vật hoang dã. Theo quan niệm của nữ sinh 24 tuổi, ăn thịt những con như gấu và chim công tốt cho sức khỏe vì thực khách cũng hấp thu cả sức mạnh cơ bắp và sự dẻo dai của chúng. Một nông dân tại tỉnh Quảng Đông tin rằng ăn dơi có thể phòng ngừa bệnh ung thư.
Ngoài ra, động vật hoang dã cũng có thể là một biểu tượng quan trọng của địa vị. Theo hãng tin CNN, một con công có giá tới 144 USD. “Nếu bạn thết đãi ai đó những món từ động vật hoang dã, điều đó được hiểu là bạn đang tỏ lòng tôn kính”- Huang chia sẻ. Với lối suy nghĩ này, Huang cũng nghi ngờ lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã sẽ có hiệu lực lâu dài, thậm chí chỉ tồn tại được vài tháng.
Những nỗ lực kiểm soát sự lây lan dịch bệnh còn gặp khó ở chỗ quy mô ngành công nghiệp chăn nuôi động vật hoang dã ở Trung Quốc rất lớn. Theo báo cáo năm 2017 của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, thị trường kinh doanh và tiêu thụ động vật hoang dã có quy mô hơn 73 tỉ USD và sử dụng trên 1 triệu lao động. Trong khi đó, ngành y học cổ truyền Trung Quốc ước tính trị giá 130 tỉ USD. Nhiều loài đóng vai trò thực phẩm tại một số nơi ở Trung Quốc cũng được sử dụng trong y học cổ truyền nước này. Theo lệnh cấm kể trên, dùng động vật hoang dã để làm thuốc trị bệnh không phạm pháp, nhưng “phải được kiểm soát chặt chẽ”. Nhà bảo vệ động vật hoang dã Aron White cho rằng theo quy định mới, thì có nguy cơ động vật hoang dã được bán hoặc nuôi để làm thuốc, nhưng rồi lại có mặt trên bàn ăn.
Kể từ ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Vũ Hán hồi tháng 12-2019, gần 20.000 trang trại nuôi động vật hoang dã ở 7 tỉnh của Trung Quốc đã đóng cửa hoặc cách ly, kể cả những người nuôi công, cáo, nai và rùa.
HẠNH NGUYÊN