29/02/2024 - 00:08

Trung Quốc kêu gọi “không tấn công hạt nhân phủ đầu” 

Vụ Kiểm soát Vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa đề nghị các quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất nên đàm phán về một hiệp ước không sử dụng vũ khí hạt nhân trước để chống lại nhau hoặc đưa ra tuyên bố chính trị về vấn đề này.

Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã ngày 28-2, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Hiểu Ba (ảnh) đã kêu gọi các cường quốc hạt nhân tuân thủ “trách nhiệm đặc biệt và ưu tiên” về giải trừ vũ khí hạt nhân theo tinh thần Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Hội nghị Giải trừ quân bị là diễn đàn đa phương được thành lập năm 1979 nhằm theo đuổi nỗ lực thương thuyết việc kiểm soát vũ khí và tiến đến ký kết các thỏa thuận giải trừ quân bị.

Tại cuộc họp hàng tuần của diễn đàn ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 26-2, ông Tôn cho rằng cần soạn thảo lộ trình hoặc khung thời gian cho một công cụ pháp lý quốc tế bảo vệ các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân trước mối đe dọa từ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này. “Các quốc gia có vũ khí hạt nhân nên đàm phán và ký kết một hiệp ước về việc không sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công phủ đầu nhằm vào nhau, hoặc đưa ra tuyên bố chính trị về vấn đề này”, ông Tôn nói.

Hiện chỉ có Trung Quốc và Ấn Ðộ chính thức duy trì chính sách “không là bên đầu tiên viện dẫn vũ khí hạt nhân” trong một cuộc xung đột. Hai nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nay là Nga và Mỹ, lần lượt sở hữu khoảng 5.889 đầu đạn hạt nhân và 5.244 đầu đạn.

Đức tranh luận gay gắt về vũ khí hạt nhân

Theo Nhật báo Phố Wall ngày 27-2, các quan chức Ðức đã bắt đầu thảo luận về kế hoạch dự phòng hạt nhân với Anh và Pháp. Berlin lo ngại rằng Mỹ có thể không còn là lực lượng răn đe hạt nhân đáng tin cậy, khi ông Donald Trump từng công khai đối đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) thời còn tại chức và đang duy trì luận điệu đó trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Một số chính trị gia và học giả Ðức thậm chí còn đi xa hơn khi đặt câu hỏi liệu Berlin có cần kho vũ khí nguyên tử của riêng mình hay không. “Trong điều kiện chính trị và tài chính nào thì Paris và Luân Ðôn sẽ sẵn sàng duy trì và mở rộng năng lực chiến lược của riêng họ vì an ninh tập thể của chúng ta? Và ngược lại, chúng ta sẵn sàng đóng góp bao nhiêu?”, Bộ trưởng Tài chính Ðức Christian Lindner viết trong một bài báo trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung hồi đầu tháng này.

Nhà khoa học chính trị Maximilian Terhalle, một trong những nhân vật lớn tiếng nhất trong cuộc tranh luận về hạt nhân ở Ðức, lập luận rằng Berlin nên mua khoảng 1.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược từ Mỹ. Số vũ khí này sẽ kết hợp với kho vũ khí của Pháp và Anh để tạo thành kho dự trữ khoảng 1.550 đầu đạn. Vũ khí đó sẽ được triển khai trên toàn lãnh thổ NATO với kế hoạch sử dụng đã được thống nhất nếu Nga tấn công.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao nói rằng Thủ tướng Ðức Olaf Scholz, Ngoại trưởng Annalena Baerbock và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius vẫn hoài nghi về triển vọng tăng cường hợp tác hạt nhân với Pháp và Anh cũng như tính hữu ích của cách tiếp cận trên. Ðược biết, quan điểm chung của các nhà lãnh đạo này là trong khi mối đe dọa hạt nhân tiềm tàng từ Nga ngày càng tăng, việc dựa vào chiến lược răn đe hạt nhân hiện tại của NATO và đầu tư mạnh vào các hệ thống phòng không sẽ là cách phản ứng tốt nhất hiện nay.

Còn có một số trở ngại pháp lý và chính trị rất lớn để Ðức trở thành cường quốc hạt nhân. Berlin đã từ bỏ vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), một cam kết mà nước này tái khẳng định trong thỏa thuận hồi tháng 9-1990 với Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô, mở đường cho việc thống nhất nước Ðức.

Ngoài ra, dư luận trong nước cũng đặt ra thách thức khi một cuộc thăm dò của nhật báo Bild công bố tuần rồi cho thấy gần 60% người dân Ðức phản đối ý tưởng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngày 27-2, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa thông báo nước này đã chính thức thiết lập “Chương trình hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân” tại các cơ nghiên cứu nước ngoài và trung tâm nghiên cứu khoa học do Nhật Bản chủ trì. Đây là bước cụ thể hóa một nội dung bài phát biểu của Thủ tướng Fumio Kishida tại Khóa họp lần thứ 78 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, trong đó cam kết đóng góp 3 tỉ yen (tương đương khoảng 20 triệu USD) cho nỗ lực đạt được mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết