30/04/2019 - 12:31

Trung Quốc có bao nhiêu tài sản ở châu Âu? 

Quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU) tuy tương đối nhỏ nhưng đã tăng nhanh trong thập kỷ qua. Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu hồi tháng 3, 1/3 tổng tài sản của khối  28 quốc gia thành viên này đang nằm trong tay các công ty nước ngoài, trong đó  9,5% thuộc về các công ty đặt tại Trung Quốc đại lục, Hong Kong hoặc Ma Cao, tăng từ mức 2,5% năm 2007.

Cảng Piraeus (Hy Lạp), nơi Trung Quốc đang sở hữu phần lớn cổ phần. Ảnh: BBC

Tập đoàn Rhodium, hãng chuyên thống kê nguồn đầu tư của Trung Quốc tại nước ngoài, cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào EU đã tăng gần 50 lần chỉ sau 8 năm, từ mức chưa tới 840 triệu USD năm 2008 lên 42 tỉ USD năm 2016, cao gấp 4 lần so với FDI của EU chảy vào Trung Quốc. Trong đó, phần lớn FDI của Trung Quốc, cả nhà nước lẫn tư nhân, tập trung ở các nền kinh tế lớn như Anh, Pháp và Đức. Phân tích của Bloomberg hồi năm ngoái cho thấy Trung Quốc hiện sở hữu hoặc có cổ phần tại 4 sân bay, 6 hải cảng và 13 đội bóng chuyên nghiệp ở châu Âu. Tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, gồm sáp nhập và mua lại cũng như đầu tư mới, hiện lên tới 348 tỉ USD. Trong vòng 10 năm qua, ước tính Trung Quốc đã mua lại 350 công ty châu Âu.

Trong mắt các nhà đầu tư Trung Quốc, châu Âu được chia thành 3 khu vực riêng biệt gồm phía Tây, phía Nam và phía Đông dựa trên sự khác biệt về sự giàu có về kinh tế, tiến bộ công nghệ, vị trí địa lý và thể chế. Ở Tây Âu, giới đầu tư Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các tài sản chiến lược cũng như mạng lưới nghiên cứu và phát triển, chủ yếu là các nước lớn và giàu có nhất của khu vực. Chẳng hạn tại Anh, Trung Quốc tính tới năm 2017 đã đổ vào đây 70 tỉ USD, Đức 20 tỉ USD và Pháp 13 tỉ USD, chiếm 75% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào thị trường EU vào thời điểm đó.

Ở Nam Âu, các công ty Trung Quốc nhắm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tại đây và hậu quả của nó để đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa quy mô lớn và tái cấu trúc hậu khủng hoảng. Như tại Ý, FDI của Trung Quốc đã tăng nhanh từ năm 2014. Trong đó năm 2015, Trung Quốc thâu tóm Pirelli, một trong những tập đoàn sản xuất vỏ xe hơi quan trọng nhất thế giới vốn là thế mạnh của các nhãn hiệu châu Âu và Nhật Bản. Ở Hy Lạp, hiện Trung Quốc đang tài trợ cho kế hoạch mở rộng cảng Piraeus. Tập đoàn vận tải đại dương Trung Quốc (COSCO) đang kiểm soát 67% cổ phần của Piraeus, cảng hàng hóa lớn nhất châu Âu hiện nay. Cảng này được coi là “cánh cửa vào châu Âu” của Trung Quốc.

Còn ở Trung-Đông Âu (CEE), Trung Quốc đang theo đuổi cơ chế đa phương 16+1 nhằm tạo điều kiện hợp tác giữa Trung Quốc và 16 quốc gia CEE. Ba Lan là nước tiếp nhận lớn nhất vốn đầu tư của Trung Quốc trong CEE với gần 9 tỉ euro. Trung Quốc đã “can dự” vào Ba Lan sau khi nước này lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2010. Trung Quốc cũng đang xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt ở Serbia, Montenegro, Bosnia và Herzegovina, Cộng hòa Bắc Macedonia...

TRÍ VĂN (Theo BBC, The Diplomat)

Chia sẻ bài viết